Khi tham gia “thuế tối thiểu toàn cầu”
Thuế tối thiểu toàn cầu cần cơ chế “giảm xóc” | |
Thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội nâng cao vị thế thu hút đầu tư | |
Tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam |
Ưu đãi thuế không còn hấp dẫn
Tại Việt Nam, ưu đãi thuế được xem là một trong những điều thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực ưu tiên hoặc với các công ty đa quốc gia, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Số liệu từ Tổng cục Thuế chỉ ra rằng, các ưu đãi khiến thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế của khối FDI chỉ ở mức 12,3%, trong đó riêng các tập đoàn lớn chỉ chịu thuế thu nhập từ 2,75%-5,95%.
Ông Phan Đức Hiếu (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho biết, khi Việt Nam tham gia chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu USD trở lên sẽ phải đóng thuế 15% dù ở bất kỳ quốc gia nào), một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở quốc gia nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu quả của chính sách ưu đãi đầu tư bằng thuế sẽ bị giảm trong nhiều trường hợp, khiến khả năng cạnh tranh trong thu hút bị ảnh hưởng đáng kể.
Cần đàm phán với từng công ty chịu tác động của cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu để thỏa thuận về giải pháp cùng có lợi |
Hiện nay, mục tiêu thu hút FDI thế hệ mới mà Việt Nam vẫn rất chú trọng vào các tập đoàn lớn, và ông Hiếu cũng lưu ý thêm, không chỉ tác động tới thu hút FDI trong giai đoạn tới, chính sách này còn tác động cả đến dự án FDI đã, đang hoạt động tại nước ta đang trong thời kỳ hưởng ưu đãi và có thể ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của nhà đầu tư đang hoạt động. Ngoài ra, “ở chừng mực nào đó rất có thể có những nhà đầu tư FDI nhỏ nhưng nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh, là một phần trong hoạt động kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia thì cũng có thể sẽ bị liên đới”, ông Hiếu bổ sung.
Điều quan trọng hơn, hạn định cho việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đã gần kề và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Có thể thấy, Chính phủ nhiều nước đầu tư và tiếp nhận đầu tư đã và đang có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc, đưa ra các chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.
Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản… đều đã thông qua hoặc trình lên các văn bản chính thức để tiến tới việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024. Đây đều là các quốc gia có lượng vốn đầu tư lớn vào Việt Nam. Do đó, việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm ảnh hưởng sức cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam trong ngắn hạn. Không những thế, việc áp dụng các Quy tắc Chống xói mòn cơ sở toàn cầu (GloBE) có thể làm phát sinh các chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế.
Giải pháp nào cho Việt Nam?
Trước mắt, các chuyên gia nhìn nhận, đối với các công ty đa quốc gia đã đầu tư, Việt Nam cần phải có sự chủ động tìm các giải pháp để chia sẻ. GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam cần đàm phán với từng công ty đa quốc gia chịu tác động của cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu để thỏa thuận về giải pháp cùng có lợi thông qua chính sách và cơ chế thích hợp với quy định của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), các Hiệp ước đầu tư quốc tế và Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Bên cạnh đó, cũng cần có đàm phán ở tầm quốc gia về nội dung bất hồi tố cho các dự án được cấp trước đây. Ngoài ra, phải có các chính sách song phương với các quốc gia có nhiều đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để kéo dài lộ trình thực thi phù hợp với tình hình trong nước.
Tuy nhiên, ông Hoàng Mạnh Phương, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định, như vậy vẫn chưa đủ và cần xem xét thêm. Với hạn định ngày càng gần kề, Việt Nam cần có các giải pháp sớm và tích cực, mang tính dài hạn để vừa đảm bảo tuân thủ các quy định quốc tế, vừa đảm bảo lợi ích trong nước. Một số chuyên gia tại các công ty kiểm toán đã đưa ra các giải pháp mang tính kỹ thuật. Cụ thể, ông Thomas McClelland - Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho hay, để bảo vệ nguồn thu thuế có thể cân nhắc giải pháp trước mắt về việc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác.
Ông Phan Đức Hiếu cũng lưu ý, những biện pháp ưu đãi vẫn có thể tác dụng đối với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là vừa và nhỏ. Trường hợp cần thiết thì nên cân nhắc các ưu đãi về khấu trừ chi phí. Theo đó có thể đạt được mục tiêu kép vừa hạn chế tác động tiêu cực của chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu, vừa giúp thu hút đầu tư có chọn lọc...
Điều quan trọng hơn là Việt Nam cần có chiến lược thu hút đầu tư căn cơ và bền vững. Trong đó chú trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, các ngành và nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, quyết định của các doanh nghiệp châu Âu khi đầu tư vào Việt Nam thường dựa trên các lợi thế về vị trí địa lý, độ mở nền kinh tế, mức độ gắn kết chuỗi cung ứng toàn cầu, chính sách tăng trưởng xanh… Kết quả khảo sát hàng quý của EuroCham cho thấy trong thứ tự về sự thu hút đầu tư tại Việt Nam, đứng đầu là thủ tục hành chính, trong khi ưu đãi thuế đứng gần cuối bảng. “Tôi nhìn nhận đây là thời điểm để Việt Nam điều chỉnh lại chính sách thu hút đầu tư của mình và đặt ra các trọng tâm cần điều chỉnh ở lĩnh vực nào”, ông Minh nói.