Khởi nghiệp sáng tạo: Gắn khát vọng cá nhân với khát vọng dân tộc
Dù khó khăn, tinh thần khởi nghiệp Việt Nam vẫn thắp sáng | |
Bức tranh khởi nghiệp nhiều gam màu trầm | |
Cơ hội vàng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo |
Cơ hội từ chính sự sáng tạo
736.584 sản phẩm/ngày bán ra trong thời gian vừa qua và đích đến tổng giá trị tiêu dùng đạt 1 tỷ USD vào năm 2021. Đây là những con số ấn tượng của Hệ sinh thái Tiêu dùng & Công nghệ bán lẻ Giga1 thuộc Tập đoàn Yeah1 mới khởi động từ cuối tháng 3/2020 và chính thức đi vào hoạt động ngày 24/11/2020. Giga1 là ý tưởng sau cú vấp ngã với đối tác Youtube khiến các nhà lãnh đạo Yeah1 quyết định cần tiến thật xa, thật nhanh khỏi mảng Media truyền thống. Song Giga1 không phải là ước vọng xa vời mà là sự tích hợp từ lợi thế của Yeah1 là Media với các thành tố Phân phối - Mua bán - Chương trình Loyalty, cùng với dữ liệu người dùng được tích hợp suốt 14 năm để cho ra đời hệ sinh thái bán lẻ công nghệ tối giản các công đoạn phân phối, giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí.
Ở một quy mô bé nhỏ hơn, câu chuyện của CTCP Sâm và dược liệu Măng Đen càng minh chứng cho thấy startup không chỉ ở giai đoạn khởi động của các nhà khởi nghiệp mà gắn với dặm dài phát triển. Thành lập ngày 1/10/2019 và hoạt động chưa được bao lâu thì công ty đứng trên bờ vực sinh tử bởi dịch bệnh Covid-19. Giám đốc Công ty Nguyễn Hữu Duy cho biết, từ kinh nghiệm học hỏi các DN khởi nghiệp, các DN đã trải qua khủng hoảng năm 2008-2009 và đánh giá sự thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng như mua online, tiện dụng; quan tâm nhiều về sức khỏe, DN đã xây dựng kế hoạch hành động mới. Ở đó, DN chỉ giữ những mảng giá trị lõi, chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh từ truyền thống sang online nhằm cắt giảm sâu các chi phí cố định như thuê mặt bằng, nhà xưởng, thường chiếm 20-25% chi phí hoạt động của DN về còn 4-5%. Đồng thời chuyển đổi sản phẩm từ chế biến đơn giản, bán dạng thô sang hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn, loại bỏ những sản phẩm không phù hợp, dành nguồn lực phát triển sản phẩm lõi. Kết quả là công ty vẫn giữ được ổn định và phát triển trong bối cảnh dịch bệnh.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, cơ hội startup rất lớn từ đáp ứng nhu cầu xung quanh mình. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp thì cơ hội còn có thể lớn hơn, bởi đây là lợi thế lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể trở thành một thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế đòi hỏi các startup phải có khát vọng lớn, ước mơ lớn của cá nhân cộng hưởng với khát vọng của dân tộc và đất nước.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam chỉ ra 2 yếu tố quan trọng nhất giúp DN khởi nghiệp thành công đó là một tư duy mới với việc tạo ra giá trị khác biệt trong hàng hóa và cung ứng dịch vụ và việc lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp. Theo bà, không phải cứ khởi nghiệp là nhất thiết phải thành lập DN, mà có thể từ mô hình HTX đang được hưởng rất nhiều ưu đãi. “Về cơ bản mô hình HTX hoạt động giống như DN, nhưng HTX ưu việt hơn vì quan hệ đối nhân giúp chúng ta học được cách làm việc nhóm và công bằng, hướng tới kinh tế chia sẻ”, bà Thực nói.
Các chuyên gia cũng chỉ ra khởi nghiệp gắn với số hóa để tiết giảm chi phí và đi nhanh hơn chứ không phải là yếu tố quyết định thành công.
Cần các trụ đỡ và dẫn dắt
Cơ hội là thế, song các chuyên gia cũng chỉ ra DN khởi nghiệp sẽ chậm lớn nếu tự mày mò trưởng thành và thiếu liên kết. Chính vì vậy, việc xây dựng được những đầu tàu dẫn dắt, kết nối các startup vào hệ sinh thái hay chuỗi giá trị là mấu chốt để phát triển bền vững. Câu chuyện này có thể nhìn thấy từ sự thành công của Saigon Co.op thời gian qua. Mô hình tổ chức HTX và hệ sinh thái chia sẻ của Co.op đã hội tụ và trợ lực phát triển cho 2500 đối tác trong đó 60% đến từ các hiệp hội DN trẻ cả nước, đóng góp 28% doanh số hàng năm cho Co.op. Ý tưởng thương hiệu vươn ra ngoài lãnh thổ với việc tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái kết nối khu vực mà Saigon Co.op đang triển khai sẽ mang đến cơ hội cho nhiều DN trẻ tham gia vào chuỗi giá trị này cùng xây dựng một niềm tự hào của doanh nhân Việt.
Bên cạnh đó, vai trò của Chính phủ có tác động lớn trong việc thúc đẩy startup. Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Thái Lan Gavin Vongkusolkit cho biết, Chính phủ Thái Lan đang cố gắng thúc đẩy hệ sinh thái đặc biệt - sinh thái số cho startup. Trong khi Singapore có riêng quỹ quốc gia đầu tư khởi nghiệp với các chính sách hỗ trợ tập trung hơn.
Chính quyền địa phương cũng trở thành một chủ công cho khởi nghiệp. Ông Gavin Vongkusolkit chia sẻ, tại một tỉnh của Thái Lan khi có 1 DN muốn vào phân phối thực phẩm cho 4 trường đại học lớn, họ đã nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn mong đợi từ chính quyền thành phố. Đó là chính quyền đã mời nhiều liên minh đối tác là DN lớn, các DN có hạ tầng 5G, các DN sản xuất vật dụng nấu nướng và công ty phát điện năng lượng mặt trời cùng tham gia và giúp các DN này kết nối chia sẻ với nhau mạng trực tuyến. Vì vậy tạo ra toàn bộ hệ sinh thái với nhiều tầng lớp khác nhau.
Ở Việt Nam, những hỗ trợ từ địa phương cũng đã thấy như Đồng Tháp đang xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của riêng tỉnh. Ở tầm quốc gia Nghị quyết số 52 năm 2019 của Bộ Chính trị đã xem đổi mới, sáng tạo là một động lực quan trọng, là chìa khóa của tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Tiếp đó là sự ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện vai trò chủ thể trong kết nối và thu hút các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho khởi nghiệp vẫn cần được xây dựng và hoàn thiện sớm. Ông Nguyễn Trọng Huy - đại diện Câu lạc bộ Khởi nghiệp Nông nghiệp cho rằng, cần có hành lang pháp lý đảm bảo cho sự liên kết chặt chẽ giữa các DN, bởi hiện nay việc liên kết chưa chặt chẽ dẫn tới các mối liên kết hợp tan là thường tình, thậm chí trở thành công ty đối thủ với nhau. Việc không chia sẻ, làm cho DN bé dần mãi. “Trên thế giới họ sáp nhập để lớn hơn và tính cạnh tranh mạnh hơn còn Việt Nam có xu hướng tan rã dần dần các mối liên kết. Hơn thế, cần phải hướng tới tư duy kinh doanh là để làm những gì mình thích chứ không phải là làm ra bao tiền thì mới đẩy DN đi nhanh. Làm với niềm đam mê và không nhất thiết phải làm chủ cũng là một cái thành công”, ông nói.
Trong khi theo GS. Phan Văn Trường của dự án Cấy nền, “một con người có thể nâng gấp 3 sức mạnh của mình khi có sức mạnh nội lực, bởi nếu đơn thuần chỉ trông vào hỗ trợ, thì số người chưa đạt kết quả được rất đông. Tôi đã gặp các em khởi nghiệp thất bại và chỉ ra còn chút xíu chạm đến thành công đó là nội lực và tinh thần tự học. Đây là bí quyết khởi nghiệp thành công”.
Trong lần đón Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma sang Việt Nam, tôi hỏi ông khi vấp ngã làm gì, ông trả lời nếu thế thì đứng dậy vì nếu không biết đứng dậy đời tôi chẳng biết làm gì. Như vậy khi gặp khủng hoảng, DN cần bình tĩnh tìm cơ hội bởi trong nguy có cơ. Thế giới luôn có lời giải và quả ngọt cho DN khởi nghiệp có ý chí vượt khó. |