Không để thiếu điện, than, xăng dầu, khí đốt trong mọi tình huống
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy tình hình cung cấp điện ổn định trong 4 tháng đầu năm, tuy nhiên từ đầu tháng 5 đến nay, tình trạng nắng nóng xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu tiêu thu điện sinh hoạt, trong khi đó lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp, đặc biệt là tại các hồ thủy điện miền Bắc, gây ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện mùa khô năm 2023 (lưu lượng nước về các hồ thủy điện từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 6 có xu hướng giảm thấp và thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, trung bình chỉ đạt 60% đối với các hồ khu vực miền Bắc và 90% đối với các hồ miền Trung và miền Nam). Do vậy, việc cung cấp điện trong giai đoạn cuối tháng 5, đầu tháng 6 gặp khó khăn, dẫn đến phải tiết giảm điện tại một số khu vực phía Bắc do không đáp ứng được nhu cầu phụ tải.
Đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ảnh.Minh Ngọc |
Đến cuối tháng 6, nhờ nhiều giải pháp quyết liệt trong sản xuất, điều hòa, cung cấp điện và lượng nước về các hồ thủy điện tăng hơn trước nên tình hình cung ứng điện đã được cải thiện.Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 6/ 2023 ước đạt 25,323 tỷ kWh, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 47,8% so với kế hoạch năm 2023 (284,5 tỷ kWh).
Đặc biệt, Bộ đã hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023), mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng theo hướng bền vững, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế, như xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.
Bộ đã thực hiện tiếp nhận và kiểm tra công tác nghiệm thu 97 dự án/công trình (bao gồm các dự án nguồn và lưới điện), góp phần đẩy nhanh, sớm đưa các công trình vào hoạt động Ttiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án Thái Bình 2, Long Phú 1, Quảng Trạch 1, Nhơn Trạch 3, 4 và chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẩn trương hoàn thành để đưa Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động, góp phần bảo đảm kịp thời cung ứng điện cho miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung trong mùa khô năm 2023 và các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhiệt điện: Quảng Trạch 1, Ô Môn 2, 3, 4, Nhơn Trạch 3, 4, Hiệp Phước, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Anh Khánh - Bắc Giang, LNG Long An 1 và 2, LNG Quảng Ninh... thực hiện dự án và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Công tác chỉ đạo điều hành đối với mặt hàng xăng dầu được triển khai tích cực, kịp thời để đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương trong tháng 4 và tháng 6 năm 2023, Bộ Công Thương đã 02 lần tổ chức cuộc họp với các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới. Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên ngành năng lượng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trong một vài thời điểm nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ tại một số địa phương, xảy ra thiếu điện ở một số địa phương phía Bắc gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt; thực hiện chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm thực thi cam kết về giảm phát thải tại COP26… còn chậm.
Nhằm hóa giải điểm nghẽn này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyên Hồng Diên cho biết Bộ Công thương tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị và địa phương liên quan rà soát tồn đọng,bám sát tiến độ, kịp thời tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc để sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, than…
Đồng thời khẩn trương phối hợp hoàn thành các thủ tục để sớm đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn, trọng điểm (nhất là các dự án về nguồn và hệ thống truyền tải liên miền); đôn đốc, giám sát chủ đầu tư các nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố, đồng thời bảo đảm các điều kiện để khai thác tối đa công suất các nhà máy.
Bộ cũng sẽ thực hiện tốt công tác điều tiết, vận hành hệ thống điện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả; khẩn trương phối hợp, hoàn thiện thủ tục để chuyển giao đơn vị quản lý Trung tâm A0 và đẩy mạnh các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối nghiêm túc thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ. "Mục tiêu chung là không được để thiếu điện, than, xăng dầu và khí đốt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mọi tình huống" Bộ trưởng cho biết.