Không thể chờ đủ dữ liệu mới làm ngân hàng số
eKYC: Cửa đã mở, nhưng không nên vội | |
Ngân hàng số: Tạo lập cái mới của chính mình |
Ảnh minh họa |
Các ngân hàng đang đua nhau phát triển ngân hàng số, nhưng lại thiếu dữ liệu lớn (bigdata) và khách hàng số lại rất dễ bỏ đi sử dụng dịch vụ chỗ khác. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Chúng ta nhìn thấy rõ nét nhất gần đây nhu cầu khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng cao hơn rất nhiều so với các ngân hàng cung cấp dịch vụ, nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong mấy năm qua do có sự can thiệp của internet. Trong thời đại thông tin rộng mở hiện nay, mỗi khách hàng quyết định sử dụng một dịch vụ đều có thể so sánh giữa các tổ chức với nhau, thậm chí so sánh dịch vụ của ngân hàng ở quốc gia này với quốc gia khác, làm cho nhu cầu tăng đột biến.
Cách đây vài năm khi ngân hàng bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet Banking, nhân viên ngân hàng phải đi thuyết phục khách hàng dịch vụ đó an toàn, tiện lợi hơn cầm những tờ séc, tiền mặt… giao dịch với ngân hàng.
Tuy nhiên ngày nay Internet Banking đã không còn lạ lẫm với khách hàng, thậm chí ngân hàng phải thích ứng nhanh hơn trong cung cấp dịch vụ. Ví dụ, người trẻ đi xe Grab và có mua hàng, ngân hàng phải xuất hiện ngay bên cạnh ứng dụng đặt xe để cung cấp các khoản tín dụng nhỏ cho khách hàng thanh toán, chứ không đợi khách hàng phải đến ngân hàng nộp hồ sơ mới được vay vốn mỗi khi có nhu cầu lại. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các ngân hàng cải thiện dịch vụ.
Theo đó, ngân hàng phải tìm được những nhà cung cấp giải pháp cho ngân hàng chuyển đổi số phù hợp với người dùng dịch vụ ngân hàng, chứ không phải cứ có ứng dụng công nghệ hiện đại mà không biết bán dịch vụ ngân hàng cho ai.
Cách đây vài năm chúng tôi cũng trăn trở trước câu hỏi: Bắt đầu từ đâu trong chuyển đổi sang ngân hàng số? Chúng tôi cũng gặp vô vàn những khó khăn, trong đó có những vấn đề liên quan đến dữ liệu và các ứng dụng khác nhau. Tuy nhiên, OCB đã triển khai hai giải pháp song song, vừa cải thiện dịch vụ ngân hàng truyền thống và chuyển đổi số, chứ không chờ đợi hệ thống dữ liệu hoàn chỉnh mới làm.
Đến nay chúng tôi thấy rằng cách làm đó là phù hợp và quá trình chuyển đổi số của ngân hàng phải diễn ra liên tục không có điểm dừng. Trong quá trình phát triển số chúng ta có thể tận dụng công nghệ mới phát triển sản phẩm dịch vụ mới tạo tiện ích cho khách hàng.
Công nghệ thay đổi chóng mặt, ngân hàng chọn giải pháp công nghệ như thế nào?
Công nghệ là một khoản đầu tư của ngân hàng, nên cần phải tạo ra sản phẩm tài chính ngay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo hiệu suất lao động; đồng thời nâng cao năng lực quản trị hơn cho ngân hàng. Một ứng dụng mà phải triển khai tới 6 hoặc 9 tháng mới cho ra sản phẩm dịch vụ là rất chậm. Ngân hàng cần tìm một nhà cung cấp công nghệ đồng hành với ngân hàng trong một hành trình dài và cùng với ngân hàng tạo ra những sản phẩm tài chính phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.
Ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính số cho các DNNVV Việt Nam để không chỉ thỏa mãn nhu cầu thanh toán, vay vốn của DN; mà còn phải thỏa mãn các nhu cầu khác như hệ thống thông tin báo cáo, kiểm toán cho DN… Bởi nếu DN sử dụng nền tảng thanh toán ngân hàng số, nhưng lại không tạo ra chứng từ cho DN để lưu trữ; và khi cơ quan thuế, kiểm toán vào kiểm tra lại không có cơ sở đánh giá các hoạt động của DN thì họ cũng không dùng ngân hàng số. Chứng từ là cơ sở cho rất nhiều việc để DN khai báo thuế, báo cáo nội bộ, kiểm toán…
Chưa kể chúng ta còn phải đối mặt với những cuộc tấn công của các hacker, những thông tin xấu về xâm nhập, mất thông tin tài khoản, mất thông tin cá nhân. Chính vì vậy ngân hàng đầu tư công nghệ phải tạo ra những ứng dụng đủ tin cậy hạn chế rủi ro cho khách hàng để người ta có thể yên tâm sử dụng ngân hàng số.
Theo ông, nhóm khách hàng nào sử dụng ngân hàng số tiềm năng cho ngân hàng hiện nay?
Ở Việt Nam có hai nhóm khách hàng. Thứ nhất là nhóm khách hàng cá nhân, đặc biệt là những người trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ. Các đối tượng này thường đòi hỏi những công nghệ rất thời thượng và thay đổi liên tục. Thứ hai là những người chưa thích ứng với công nghệ. Đây là nhóm khách hàng rất quan trọng với ngân hàng; bởi nhóm thích ứng cao với công nghệ lại không tạo ra nhiều tiền cho ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng phải lựa chọn đầu tư công nghệ với những giải pháp công nghệ vừa đủ thông minh và lại thân thiện với nhóm khách hàng mới tiếp xúc với công nghệ.