Khu du lịch tâm linh đảo Cái Tráp của Xuân Trường có thể bị dừng triển khai
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời về việc giao đất xây chùa Bái Đính, Tam Chúc |
Phối cảnh Khu du lịch văn hóa tâm linh đảo Cái Tráp - Ảnh minh họa. |
Hải Phòng sẽ hủy chủ trương cho Xuân Trường lập quy hoạch dự án tâm linh đảo Cái Tráp
Theo văn bản nói trên, dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh đảo Cái Tráp có tổng diện tích 450 ha. Trong đó, Khu tâm linh có diện tích 88,7 ha; Khu dịch vụ đón tiếp là 108 ha (trung tâm đón tiếp, khu ẩm thực, khách sạn 5 sao, bến xe điện, khu biệt thự); khu cây xanh, thảm cỏ, câu lạc bộ thủy thủ, casino… là 151,3 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến là 9.800 tỷ đồng với thời gian thực hiện từ 2015-2025.
Về lộ trình triển khai dự án, cuối năm 2015, UBND TP. Hải Phòng đã làm việc với Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường về việc đầu tư dự án này. Theo báo cáo của doanh nghiệp, địa điểm triển khai xây dựng dự án nằm trong khu vực đảo Cát Hải, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; phía Bắc giáp khu vực Đầm bãi nhà Mạc của tỉnh Quảng Ninh; phía Đông giáp luồng Lạch Huyện; phía Tây giáp luồng Nam Triệu; phía Nam giáp đảo Cát Hải. Dự án khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ kết nối khu du lịch đảo Cái Tráp với khu du lịch tâm linh Tràng Kênh, khu sinh quyển Cát Bà, khu di tích lịch sử Bạch Đằng… dự kiến thu hút khoảng 6,5 triệu lượt khách tham quan du lịch trong và ngoài nước mỗi năm; giải quyết thêm nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương.
Sau khi kiểm tra thực địa vị trí thực hiện dự án tại đảo Cái Tráp, lãnh đạo TP. Hải Phòng và các ngành đều nhất trí với ý tưởng và đề nghị của Doanh nghiệp Xuân Trường. Ngày 30/10/2015, UBND TP. Hải Phòng có thông báo số 288/TB-UBND chấp thuận chủ trương và cho phép Doanh nghiệp Xuân Trường khảo sát diện tích khoảng 500 ha tại khu vực đảo Cái Tráp, huyện Cát Hải để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu vực dự án này.
Tuy nhiên, sau 4 năm kể từ thời điểm Xuân Trường có tờ trình đề nghị Hải Phòng chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp này vẫn chưa có phương án triển khai dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay: “UBND TP. Hải Phòng đang làm thủ tục để hủy bỏ thông báo trên”.
Thái Nguyên chưa giao đất dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc cho Xuân Trường
Liên quan đến một dự án tâm linh khác của Doanh nghiệp Xuân Trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (ATK) Định Hóa có quy mô sử dụng đất là 19,9 ha; trong đó 18,0 ha thuộc xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ và 1,9 ha thuộc xã Phúc Tân, thị xã Phổ Yên.
Khu du lịch Hồ Núi Cốc phù hợp chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011; Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 27/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2228/QĐ-TTg ngày 18/11/2016.
Dự án đã được HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua tại Nghị quyết số 107/NQ-HĐND ngày 24/3/2016. Trên cơ sở đó, ngày 6/7/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 1674/QĐ-UBND đồng ý chủ trương cho Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường thực hiện dự án và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 1122/QĐ-UBND ngày 26/4/2019. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 3546/QĐ-UBND ngày 13/11/2017.
Với dự án này, 9,71 ha trong đó được quy hoạch là đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, bao gồm công trình Đền Gàn là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đã được xếp hạng. Việc quản lý đất đai, công trình xây dựng đối với đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Di sản văn hóa; sau khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng xong công trình tôn giáo, tín ngưỡng sẽ bàn giao cho Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền địa phương để quản lý, khai thác, vận hành; tiền thu được từ việc công đức do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, sử dụng.
Đối với diện tích 10,19 ha quy hoạch là đất kinh doanh dịch vụ (theo Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án số 1122/QĐ-UBND ngày 26/4/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên thì chủ yếu là bãi đỗ xe), doanh nghiệp sẽ phải thuê đất với Nhà nước và trả tiền thuê đất theo quy định tại Điều 56 của Luật Đất đai.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Đến nay, UBND tỉnh chưa giao đất cho doanh nghiệp, do hiện nay doanh nghiệp đang hoàn thiện thiết kế dự án theo quy hoạch được duyệt, chưa có hồ sơ xin thuê đất theo quy định”.