Làm thế nào để chuyển đổi số hiệu quả?
Bảo đảm an toàn, an ninh trong quá trình chuyển đổi số | |
Chuyển đổi số: Vai trò của Chính phủ và các cơ quan quản lý là rất quan trọng | |
Sản phẩm Make in Vietnam thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia |
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá tác động của Covid-19 đến hoạt động của DN và phân tích xu hướng ứng dụng chuyển đổi số để vượt qua khó khăn cho thấy, dịch Covid-19 tạo cú hích mạnh mẽ để DN nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong sản xuất thì hiện còn rất yếu, như ứng dụng Internet vạn vật (IoT), rô bốt, dây chuyền tự động hoá hay hệ thống điều hành sản xuất nhà máy...
Trên thực tế, tỷ lệ các DN lớn ứng dụng các công nghệ số cao hơn so với các DNNVV. Theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước có khoảng 870 nghìn DN đang hoạt động, trong đó hơn 97% quy mô nhỏ và vừa. Khảo sát các DNNVV về chuyển đổi số cho thấy, 60,1% DN tham gia khảo sát cho biết, rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là bởi chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Nguyên nhân một phần là đại dịch khiến các DN gặp nhiều khó khăn về giảm doanh thu, thiếu hụt nguồn vốn. Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp cho chuyển đổi số. Bên cạnh đó, DN còn gặp khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh; khó khăn trong việc tích hợp các công cụ công nghệ thông tin; các quy tắc, quy định không phù hợp với số hoá; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động... Chính vì vậy, bên cạnh việc chủ động nắm bắt cơ hội, các DN cần chú trọng sự thay đổi trong quy trình, nhận thức, thói quen chứ không chỉ riêng vấn đề công nghệ.
Đại diện VCCI cho biết, chuyển đổi số để bắt kịp với sự thay đổi là yêu cầu bắt buộc đối với mọi DN, kể cả những DN lớn nhất toàn cầu. Đối với DN Việt Nam thì chuyển đổi số là vấn đề cốt yếu để giúp DN có thể sống sót qua đại dịch cũng như phát triển trong tương lai, đồng thời tránh tụt hậu càng xa so với các DN trên toàn cầu. Chính vì vậy, trong năm 2022 VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy DN thực hiện chuyển đổi số. Trong đó hỗ trợ chuyển đổi nhận thức của DN về kinh tế số, chuyển đổi số, coi đây là nhóm giải pháp hàng đầu tạo nền móng cho chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, VCCI sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hội thảo nâng cao nhận thức của DN; kết nối DN đến với các đối tác là các DN công nghệ số, các nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật số; Tư vấn, hỗ trợ DN triển khai thực hiện các bước chuyển đổi số trong DN; Hỗ trợ DN tham gia vào “Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN, HTX và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025”do Bộ KH&ĐT chủ trì…
Ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch VNPT cho biết, với vai trò là Tập đoàn Công nghệ số hàng đầu quốc gia, với những thế mạnh về hạ tầng số, an ninh số, hệ sinh thái số, VNPT đã tham gia tích cực trong hoạt động chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Các giải pháp chuyển đổi số do VNPT phát triển đã được triển khai tại 60/63 tỉnh, thành phố và 15 bộ ngành. Trong thời gian tới VNPT cam kết đồng hành cùng các DN Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số của mình. Các cam kết này được cụ thể hóa theo 3 chương trình hành động cụ thể đó là cam kết tập trung phát triển hạ tầng số, các nền tảng công nghệ số (Cloud, IOT, AI, Big Data…), các dịch vụ số có tính đột phá/phổ cập và là đối tác tin cậy giúp các DN công nghệ Việt Nam có một nền tảng vững chắc để phát triển các ứng dụng công nghệ “Make in Vietnam”, phục vụ toàn bộ các DN Việt Nam và hướng ra môi trường quốc tế. VNPT chủ động hợp tác chuyển đổi số với các Tập đoàn, Tổng Công ty là các đơn vị lớn, đứng đầu các ngành nghề trong nền kinh tế. Đồng thời, VNPT cam kết đồng hành chuyển đổi số cùng các DNNVV, hộ cá thể kinh doanh trong kỷ nguyên số.
Ông Tô Dũng Thái nhấn mạnh, để hiện thực hóa mục tiêu quốc gia Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, VNPT mong muốn được đồng hành cùng các DN Việt Nam, cùng VCCI trong hành trình chuyển đổi số đưa cộng đồng DN phát triển.