Ngành gỗ bàn cách phục hồi, tăng tốc và bứt phá
Ngành gỗ lao đao vì đại dịch Covid-19 | |
Ngành gỗ Việt đối diện nhiều thách thức |
4 tháng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,4 tỷ USD |
"Mục tiêu đặt ra cho ngành chế biến gỗ năm nay là kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD. Nhưng đến nay, vì COVID-19, 80% các đơn hàng cũ bị dừng, hoãn, rất ít đơn hàng mới được ký. 100% doanh nghiệp trong ngành đã bị ảnh hưởng. Tăng trưởng xuất khẩu của ngành năm 2020 có thể bằng 0”, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) dự báo.
COVID-19 đã khiến chuỗi cung đứt gãy, cầu sụt giảm mạnh. Tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất - chế biến gỗ từ các hộ trồng rừng, cơ sở cưa xẻ gỗ, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đến khâu kinh doanh xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo khảo sát của Tổ chức Forest Trends, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA), Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) thì 51% doanh nghiệp trong ngành đã thu hẹp quy mô sản xuất, 7% số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động. Các làng nghề giảm quy mô hoạt động tới 80%. Khoảng 50-60% xưởng xẻ dừng hoạt động.
Chỉ có 35% doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, nhưng những người đứng đầu doanh nghiệp này cho biết: "Sẽ phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới".
Theo các doanh nghiệp, tình hình quý II sẽ còn xấu hơn quý I.
Để "bảo toàn lực lượng" khi COVID-19 lan rộng, một số doanh nghiệp FDI đã đóng cửa doanh nghiệp, cho công nhân nghỉ việc. Nhưng, doanh nghiệp Việt Nam vì sự tồn tại sau dịch bệnh, vì đời sống người lao động nên dù năng suất thấp, đơn hàng bị hủy cũng vẫn cố tìm cách không để sản xuất đứt gãy.
Làm việc từ xa, gia tăng kết nối với khách nước ngoài, làm thêm loại sản phẩm mới, xúc tiến khách hàng mới, thị trường mới, tiếp cận thị trường nội địa, bên cạnh kênh bán hàng tryền thống là đẩy mạnh bán hàng online, phát triển kinh tế số… là những cách mà các doanh nghiệp đã và đang làm.
“Chúng tôi liên tục liên hệ với các khách hàng nước ngoài. Dù các cuộc liên lạc không mang lại kết quả ngay nhưng liên lạc liên tục sẽ khiến khách hàng nhớ đến mình ngay khi họ muốn đặt hàng, ông Vũ Hải Bằng, Tổng Giám đốc Công ty LD Woodland, chia sẻ.
Đó là những cách làm, hướng đi các doanh nghiệp đã bàn đến, nhưng phải có đủ năng lực để đón lấy cơ hội. Đồng thời cũng phải cẩn trọng với lợi dụng xuất xứ, gian lận thương mại, cẩn trọng để hàng của Việt Nam không bị áp thuế chống phá giá.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó chủ tịch DOWA nhấn mạnh nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá ở Mỹ, ở Hàn Quốc.
Mỹ đã cân nhắc việc khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với gỗ dán và tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Ấn Độ khởi xướng điều ra sản phẩm gỗ MDF từ Việt Nam. Nếu các sản phẩm này bị áp thuế chống bán phá giá thì cả lĩnh vực đồ gỗ nội thất gặp nguy, như thế thì ngành gỗ xuất khẩu thiệt hại không kém gì do đại dịch.
Và COVID-19 bùng lên càng lộ rõ sự mong manh của chuỗi cung khi Trung Quốc vừa là nhà nhập khẩu lớn nhưng cũng là nguồn cung nguyên liệu, vật liệu lớn cho ngành gỗ Việt và nhiều ngành sản xuất khác.
Giảm rủi ro do bệnh dịch, gia tăng sức chống chịu của ngành, phát triển chuỗi cung trong nước, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài, giảm lệ thuộc vào một số thị trường và một số sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa… là hướng phải đi nhưng cần có sự yểm trợ của Chính phủ về chính sách hỗ trợ, về các biện pháp chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài, và hỗ trợ bảo vệ thị trường trong nước…
Đó là thông qua việc thực hiện chính sách mua sắm công đồ gỗ, Chính phủ có tiềm năng trong việc dẫn dắt phát triển thị trường nội địa, ưu tiên sử dụng các sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững cho các công trình công cộng, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp và các làng nghề tham gia vào các khâu cung sản phẩm này, các doanh nghiệp kiến nghị.