Liên kết tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ
Tiếp sức cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội | |
Đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất trong nước | |
Gỡ khó cho công nghiệp hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh |
Chưa đáp ứng đủ lượng và chất
Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, nguồn nhân lực còn thiếu và chất lượng chưa đồng đều đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành này.
Là một trong những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kết cấu thép công nghệ cao phục vụ các ngành xây dựng, công nghiệp trọng điểm, ngay từ đầu năm Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng thương mại Đại Dũng đã đăng thông tin tuyển dụng gấp khoảng 300 lao động. Đại diện công ty cho biết, ngành cơ khí có nhu cầu lao động lớn nhưng các trường nghề đào tạo không nhiều và số lượng sinh viên ra trường trong ngành này hằng năm cũng khá ít. Không chỉ thiếu lao động, mà một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn phải lo về chất lượng lao động.
Để có nguồn nhân lực dồi dào cần có sự liên kết chặt chẽ của nhà trường - doanh nghiệp |
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH dụng cụ An Mi chia sẻ, nhu cầu bổ sung mới nhân sự hàng năm của doanh nghiệp là 30 - 50 lao động có tay nghề. Tuy nhiên, việc tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn, mới đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu. Cùng với đó, doanh nghiệp còn phải dành thời gian đào tạo lại, vì người lao động ứng tuyển hầu hết thiếu tất cả những kỹ năng cần thiết.
Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Thiết bị điện MBT cho biết, để phục vụ cho công việc vốn cần độ chính xác rất cao thì mỗi nhân sự tuyển mới, doanh nghiệp thường phải đào tạo lại khá lâu, mất khoảng 6 tháng đến 1 năm. Bên cạnh đó, giữ được lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp cũng là việc không dễ.
Gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn
Để tăng cường nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng cụ thể từ các doanh nghiệp được xem là lối đi ngắn nhất. Điều này vừa giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực cho các doanh nghiệp, vừa tạo cơ hội tiếp cận với các kiến thức thực tế, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho các sinh viên khi ra trường.
Không chỉ liên kết với các trường đại học, cao đẳng, một số doanh nghiệp còn chủ động mở trung tâm đào tạo nguồn nhân lực. Đơn cử, Công ty cổ phần Xây lắp và bảo dưỡng cơ điện VNK đã mở thêm Trung tâm tư vấn đào tạo và hỗ trợ việc làm VNK để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực cơ điện. Đến nay, Trung tâm đã đào tạo được hơn 10 nghìn kỹ sư, cử nhân cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong thời gian tới, VNK dự định sẽ tham gia phát triển Học viện Hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSI).
Về phía các cơ sở, đào tạo, Nhà giáo ưu tú - TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, nhu cầu nguồn nhân lực để cung cấp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngày càng cao. Ngoài các chương trình đào tạo chung, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn theo đơn đặt hàng, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp. Hiện, nhà trường đã và đang hợp tác với các doanh nghiệp trong Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội để đào tạo nâng cao kỹ năng, kỹ thuật, tư vấn sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khắc phục khó khăn bởi thiếu hụt nguồn lực lao động chất lượng cao.
Tuy nhiên, việc liên kết đào tạo lao động cho ngành công nghiệp hỗ trợ cũng gặp không ít khó khăn. TS. Phạm Xuân Khánh cho biết, hiện đang thiếu văn bản hướng dẫn, cho phép các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất vào nhà trường cũng như sự phối hợp giữa nhà trường với các doanh nghiệp để xây dựng các trung tâm đào tạo, để vừa nghiên cứu, vừa sản xuất, vừa làm ra sản phẩm có khả năng thương mại hóa… Nếu được sự đồng hành của các doanh nghiệp, cùng với việc tạo các cơ chế chính sách tốt, mô hình gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, giúp nhà trường có thêm nguồn lực về trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của các cơ sở đào tạo.