Tiếp sức cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội
Đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất trong nước | |
Tăng cường kết nối trong công nghiệp hỗ trợ | |
Doanh nghiệp FDI vẫn khó tìm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ |
Những năm gần đây, số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Hà Nội đã tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thị phần phụ thuộc vào các nhà sản xuất, cung cấp ngoài nước, năng lực cạnh tranh chưa cao.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp trong ngành hiện đang tích cực mở rộng đầu tư, hợp tác trong các dự án mới với nhiều đối tác FDI đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, EU... Tuy nhiên, hiện không ít doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng như thị trường tiêu thụ.
Trong bối cảnh đó, nhằm tiếp tục triển khai công tác phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, ngay từ đầu năm 2023, HANSIBA đã làm việc trực tiếp tại các cơ sở để nắm bắt tình hình cũng như tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Lãnh đạo HANSIBA đến thăm, làm việc với CTCP Thiết bị điện MBT ngày 10/3/2023. |
Là một trong những doanh nghiệp có doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng, Công ty cổ phần Thiết bị điện MBT là đơn vị uy tín hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á chuyên về thiết kế, sản xuất và kinh doanh các loại máy biến áp, tủ trạm điện, vật tư thiết bị điện. Trong năm 2022, doanh nghiệp này đã tiêu thụ được hơn 3.000 máy biến áp, 2.000 tủ bảng điện cho các công trình dân sinh và các công trình trọng điểm của cả nước, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MBT, chia sẻ rằng trong 3 năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn do đầu tư mới bị hạn chế và các nguyên nhân khách quan khác. Cụ thể, năm 2021, MBT giảm doanh thu khoảng 30%, năm 2022 giảm tới 40%.
Hiện nay, hầu hết giá các nguyên vật liệu đầu vào và máy móc thiết bị nhập khẩu của MBT đều tăng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng gặp nhiều áp lực từ việc thiếu vốn đầu tư công nghệ mới, thêm nữa là thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế bị thu hẹp...
Để đứng vững và khẳng định mình, MBT luôn nỗ lực tìm mọi cách nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, công ty liên tục có những đổi mới, cải tiến cũng như hoàn thiện quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng với chi phí thấp nhất; cố gắng áp dụng những công nghệ mới, đặc biệt là xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, góp phần đạt hiệu quả cao nhất.
Theo ông Trần Văn Nam, mặc dù thời gian qua ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta đã được các cấp, ngành Trung ương và chính quyền Thủ đô rất quan tâm, xây dựng và ban hành một số cơ chế chính sách để phát triển, trong đó có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ như MBT, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế.
Hiện tại, các doanh nghiệp nói chung và MBT nói riêng đều gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để đầu tư dây chuyền hiện đại, qua đó tạo ra những sản phẩm công nghệ cao, thuận lợi hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm...
Trước tình hình đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành, mới đây UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội năm 2023. Theo đó trong năm 2023, TP. Hà Nội phấn đấu có khoảng 950 doanh nghiệp (tăng khoảng 20 doanh nghiệp so với năm 2022) hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có khoảng 300 - 350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Thành phố sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối thị trường để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực HANSIBA, cho biết trong năm 2023, Hiệp hội sẽ tiếp tục phát triển hội viên, quy tụ và tập hợp các doanh nghiệp để liên kết cùng phát triển...