Lĩnh vực hạ tầng sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng
Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng trong lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội Cần đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực hạ tầng và nông nghiệp |
Khởi chạy nhiều dự án trọng điểm
Ba ngân hàng trong nhóm Big4 là Vietcombank, VietinBank và BIDV sẽ ký hợp đồng cho vay hợp vốn đối với chủ đầu tư Dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, thông tin này được ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank xác nhận. Quy mô vốn tín dụng cho dự án trọng điểm này lên mức 1,8 tỷ USD.
Thông tin của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho hay, trong quý II/2024, ACV sẽ triển khai thi công hàng loạt gói thầu lớn thuộc Dự án thành phần 3. Trong đó, các gói thầu 4.7, 4.8, 4.9, 7.8 và 11.5 dự kiến sẽ được khởi công trong tháng 5 và tháng 6/2024 tới đây và kế hoạch dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2026.
Trước đó, 5 NHTM, bao gồm BIDV, VietinBank, ACB, VIB và MB cũng đã cam kết tài trợ 15.644 tỷ đồng cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (Evn NPT) để triển khai các dự án đường dây 500kV từ Quảng Trạch đến Phố Nối (tổng chiều dài khoảng 519 km). Trong đó, BIDV cho vay 6.874 tỷ đồng, MB cho vay 2.855 tỷ đồng, VietinBank cho vay 3.875 tỷ đồng và liên danh ACB và VIB cam kết cho vay 2.040 tỷ đồng. Hiện tất cả các dự án này đều đã được khởi công xây dựng với hỗ trợ tích cực từ các ngân hàng. Lãnh đạo Evn NPT thông tin, đến cuối tháng 6 tới đây, một số thành phần của các dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành.
Tín dụng kỳ vọng vào động lực đầu tư hạ tầng lan tỏa sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh |
Ngoài hai dự án lớn kể trên, trong những tháng đầu năm 2024, các dự án hạ tầng trọng điểm khác đã được các NHTM cam kết rót vốn hoặc tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các khoản tín dụng đã ký trước đó để khởi công trong quý I và II. Đơn cử, TPBank và Tập đoàn Đèo Cả đã thống nhất phương án thu xếp khoảng 5.529 tỷ đồng để triển khai Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (TPBank cho vay khoảng 2.500 tỷ đồng).
Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, những vướng mắc liên quan đến thủ tục ký hợp đồng tín dụng đối với Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam) cũng đã được các ngân hàng hợp tác với chủ đầu tư và các địa phương tháo gỡ. Trong khi đó các dự án bao gồm: Dự án đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án mở rộng quốc lộ 22 (TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh), dự án nhà ga T3 - sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất… đã thống nhất được phương án đầu tư và lộ trình thu xếp vốn, kể cả vốn ngân sách và vốn tín dụng trong nước và quốc tế.
Đầu tư hạ tầng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa
Theo các chuyên gia, trong năm 2024 với quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các dự án giao thông trọng điểm cấp vùng, cấp quốc gia sẽ là động lực giúp tăng trưởng kinh tế.
Trong năm 2024, theo tính toán của Bộ Giao thông - Vận tải, dự kiến sẽ có thêm ít nhất 130 km đường cao tốc được hoàn thành và đưa vào vận hành. Các dự án lớn, như Dự án vành đai 4 (Hà Nội), Vành đai 3 (TP. Hồ Chí Minh), cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài… cũng sẽ sớm được khởi công trong các tháng giữa năm.
Các chuyên gia của SSI Research dự báo, trong năm nay dư địa tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể sẽ được hậu thuẫn mạnh từ khối doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất và FDI. Ngoài ra, các lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao… cũng sẽ thu hút nguồn vốn tín dụng đáng kể và tăng trưởng cao ở nhiều NHTM.
Sự trở lại mạnh mẽ của hoạt động đầu tư công trình hạ tầng giao thông, dự án công nghệ cao, dự án kinh tế xanh trong năm nay, xét ở khía cạnh thị trường sẽ tạo ra động lực thu hút nhiều ngân hàng mở rộng các gói sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu tài chính cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, OCB cũng đã thiết kế riêng gói tín dụng cho các nhà thầu công trình đường bộ có vốn đầu tư công với hạn mức vay tối đa 85% giá trị hợp đồng.
Agribank và một số ngân hàng quy mô lớn cũng có các gói tín dụng dành riêng cho lĩnh vực hạ tầng với cam kết ưu tiên cho ngân hàng thu phí để trả nợ vay khi dự án bắt tay vào khai thác. Ở cấp độ Chính phủ, từ cuối tháng 3/2024 tới đây Nghị định số 10/2024/NĐ-CP về khu công nghệ cao chính thức có hiệu lực cũng sẽ tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi để các tổ chức tín dụng mở rộng đầu tư nguồn vốn ưu đãi vào các lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, các dự án, doanh nghiệp công nghệ cao và kinh tế xanh.