Lối thoát từ chuỗi liên kết khép kín
Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn ở nhiều mặt hàng cụ thể, bởi những lý do khách quan lẫn chủ quan. Đối với thị trường trong nước, tiêu thụ thịt gia cầm hiện ở mức giá thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao khiến cho người chăn nuôi gặp khó khăn, sự ách tắc trong lưu thông do dịch Covid-19 cũng khiến cho các loại rau, củ quả tại một số tỉnh thành bị dư thừa cục bộ. Còn đối với thị trường xuất khẩu, nông sản vướng các rào cản kỹ thuật ở thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng nhập khẩu do lo ngại rủi ro lây truyền dịch bệnh Covid-19 khiến cho các mặt hàng xuất khẩu của nước ta gặp khó khăn.
Bàn về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, để duy trì xuất khẩu nông sản các tháng cuối năm 2021 có thể giữ đà tăng trưởng ở mức cao, đồng thời đảm bảo đáp ứng đủ, ổn định nguồn cung tiêu thụ nội địa, cần phát triển các liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác. Đối với cơ quan chức năng, khi đến mùa vụ cần hỗ trợ tối đa doanh nghiệp xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn, rào cản thị trường, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường các mặt hàng nông sản xuất khẩu tiềm năng. Cùng với đó, hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, ban hành các bộ tiêu chí kỹ thuật cụ thể đối với từng thành phần của chuỗi sản xuất, vùng an toàn dịch bệnh...
Để xuất khẩu sản phẩm động vật sang các nước, phải đảm bảo tuân thủ quy định của quốc tế |
Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp quy trình tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh từ thực tế các địa phương để có thể ban hành quy trình kết nối các doanh nghiệp trong tiêu thụ, xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi không chỉ những nơi hàng hóa để xuất khẩu mà kể cả hàng phục vụ thị trường trong nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hàng năm, Cục Bảo vệ thực vật tiến hành rà soát, hoàn thiện các báo cáo kỹ thuật để tiếp tục nộp hồ sơ đàm phán mở cửa thị trường mới cho nông sản Việt Nam, bổ sung các căn cứ kỹ thuật nhằm cải tiến các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu...
“Hiện, Cục Bảo vệ thực vật đang đàm phán để mở cửa 19 thị trường cho 20 loại sản phẩm như trái cây, hạt giống, gạo, hoa, đậu đỗ, khoai lang… Đồng thời, hỗ trợ xử lý, đàm phán tháo gỡ các tình huống kỹ thuật phát sinh trong quá trình xuất khẩu, đặc biệt là thông báo không tuân thủ liên quan đến kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Còn với các doanh nghiệp cần tuân thủ, trung thực trong quá trình triển khai, liên kết sản xuất, chủ động vùng nguyên liệu và giám sát thường xuyên để đảm bảo vùng nguyên liệu luôn đạt yêu cầu” - Bà Thu Hương thông tin thêm.
Về sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, để xuất khẩu sản phẩm động vật sang các nước, phải đảm bảo tuân thủ quy định của quốc tế, cụ thể là theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Theo đó, động vật, sản phẩm động vật phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ có cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học. Tính đến hết tháng 5/2021, Việt Nam có 2.288 cơ sở, chuỗi sản xuất khép kín và vùng an toàn dịch bệnh tại 54 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu được thì phải đảm bảo sản phẩm trong vùng an toàn dịch bệnh của OIE. Vì vậy, các doanh nghiệp ngoài đảm bảo an toàn thực phẩm thì cần phải đảm bảo an toàn dịch Covid-19 trong các nhà máy chế biến, tuân thủ chặt chẽ các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế trong phòng chống dịch.
Theo GS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để xây dựng được những chuỗi liên kết đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu cần nhiều giải pháp đồng bộ như giải pháp về tiêu chuẩn sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực tài chính cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… Các tỉnh thành phải có quy hoạch về chủng loại cây, gắn kết giữa vùng trồng với các nhà máy chế biến để hình thành nên những vùng chuyên canh sản xuất, chế biến, xuất khẩu bền vững. Nhưng quan trọng nhất là địa phương phải tạo điều kiện thông thoáng để doanh nghiệp, HTX có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng liên kết, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn hiện nay.