Lốp xe hưởng lợi từ làn sóng ô tô Việt
Thị trường sản xuất ô tô sôi động ngay từ những ngày đầu năm 2021 khi thu hút nhiều các nhà đầu tư tham gia với rất nhiều sản phẩm tiên tiến. Tiêu biểu như Vinfast vừa giới thiệu ra thị trường mẫu xe ô tô điện VF e34 đầu tiên, một số công ty khác cũng đang tham gia vào thị trường xe ô tô Việt Nam.
Trong một báo cáo vừa công bố mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, triển vọng ngành ô tô Việt Nam trong dài hạn vẫn rất lạc quan do tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam vẫn ở mức thấp, tầng lớp có thu nhập trung bình đang gia tăng và việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.
Năm 2021, BVSC duy trì dự báo sản lượng tiêu thụ toàn ngành phục hồi đáng kể, đạt 330.315 chiếc, tăng 11,4% so với năm trước, được thúc đẩy nhờ môi trường lãi suất thấp và niềm tin tiêu dùng cải thiện hậu đại dịch.
Thị trường linh phụ kiện xe ô tô sẽ mở rộng khi tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng lên |
Xu thế phát triển sôi động của ngành ô tô đã mang tới cơ hội cho nhà cung ứng linh phụ kiện. Trong số đó, hãng chế tạo lốp xe chất lượng cao như cao su Đà Nẵng (DRC) hay Casumina (CSM) được hưởng lợi, đặc biệt là với dòng lốp radial mới.
Theo hãng nghiên cứu TechSci Reasearch, chất lượng hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam tiếp tục được cải thiện, những ưu thế của lốp radial so với lốp mành chéo (bias) truyền thống sẽ rõ nét hơn. Điều này tạo lợi thế tăng trưởng cho các công ty đã có nhà máy sản xuất lốp radial từ trước, ví như Cao su Đà Nẵng và Casumina.
Có thể nói, thị trường lốp xe đang cạnh tranh dữ dội giữa các thương hiệu nội và ngoại, đặc biệt là các thương hiệu như Bridgestone, Goodyear, Michellin và lốp giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng với lợi thế về chi phí, nhất là các chi phí logistics và mạnh tay đầu tư vào marketing, chuỗi phân phối, các hãng lốp xe nội cũng có cơ hội lớn để giành lấy phần thắng trên thị trường.
Tiêu biểu như Casumina, doanh nghiệp này có hệ thống phân phối lớn với hơn 200 đại lý cấp 1 và bao phủ trên 90% các cửa hàng bán lẻ săm lốp trên cả nước; trong khi cao su Đà Nẵng liền kề với khu lắp ráp ô tô Trường Hải.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng là cơ hội lớn cho các hãng lốp xe nội địa nhờ nhiều Hiệp định quan trọng đã được ký kết như EVFTA, CPTPP hay RCEP. Trong một thông tin mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất lốp xe Ấn Độ (ATMA), thị phần lốp xe của Trung Quốc đang giảm dần trong khi các dòng sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan đang từng bước cải thiện thị phần đáng kể.
Đón đầu cơ hội này, cao su Đà Nẵng lên kế hoạch mở rộng nhà máy giúp tăng gấp đôi công suất lốp radial lên 1,2 triệu chiếc/năm. Với hiệu suất hoạt động nhà máy radial hiện tại, doanh nghiệp này sẽ sớm đạt công suất 100% nhờ nhu cầu hồi phục, kế hoạch gia tăng công suất lốp radial (giai đoạn 3) từ 600.000 chiếc/năm hiện tại lên 1,2 triệu chiếc vào năm 2024 sẽ mở ra giai đoạn tăng trưởng mới cho cao su Đà Nẵng trong dài hạn. Chi phí đầu tư cơ bản để mở rộng công suất ước tính khoảng 700 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với 2 giai đoạn đầu vì tận dụng được nhà máy và một số thiết bị hiện có.
Năm ngoái, cao su Đà Nẵng công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận đạt 256,5 tỷ đồng (tăng 2,4% so với cùng kỳ), biên lợi nhuận gộp đạt 16,4%, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này có sự tăng tốc trong các tháng cuối năm vừa qua là sau khi bị ảnh hưởng tiêu cực do nhu cầu sụt giảm bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và chi phí bán hàng cao khi cạnh tranh gia tăng. Đặc biệt sản lượng xuất khẩu năm trước ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ tại hầu hết thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và Brazil.
Trên thị trường cũng xuất hiện các cơ hội mua bán sáp nhập (M&A) hấp dẫn, khi hãng lốp xe Kumho Tire Company của Hàn Quốc đã thông báo ý định chuyển nhượng dây chuyền xử lý cao su và sản xuất lốp xe có công suất 6 triệu chiếc tại Việt Nam. Bên mua chính là Thành Công Group, thương vụ được kỳ vọng hoàn thành vào tháng 5 tới đây.