Luật Đất đai sửa đổi sẽ tạo đột phá về quỹ đất
Luật Đất đai sửa đổi sẽ đưa hàng trăm dự án tái khởi động trở lại Thông qua Luật Đất đai: Hoàn thiện “mảnh ghép” trong quản lý và sử dụng đất |
Thông thoáng về sử dụng đất
“Quy định này sẽ tạo điều kiện sử dụng đất rất thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, như phát triển các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công viên, khu vui chơi giải trí”, ông Châu nhìn nhận.
Luật Đất đai sửa đổi cũng cho phép mở rộng “hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất” tại khoản 1 Điều 177 và tại Điều 192, Điều 193. Theo ông Lê Hoàng Châu, điều này sẽ tạo điều kiện sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn để cho ngành nông nghiệp ngày càng phát triển, nông dân ngày càng giàu có và bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, sẽ tác động tích cực đến cả nền kinh tế và thị trường bất động sản trong quá trình đô thị hóa và phát triển các khu dân cư nông thôn.
Luật Đất đai sửa đổi góp phần tạo nguồn lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển |
Bên cạnh đó, Luật Đất đai sửa đổi cũng quy định về sử dụng đất để thực hiện dự án lấn biển. Theo ThS. Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia pháp lý bất động sản, quy định “giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển được tiến hành đồng thời với việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư” là hợp lý vì dự án lấn biển cần vốn đầu tư rất lớn, đặc biệt là chi phí lấn biển tạo lập quỹ đất. Do đó, cần giao đất cho nhà đầu tư, đồng thời với giao khu vực biển, căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư và quy hoạch chi tiết được phê duyệt; đồng thời phải sớm xác định tiền sử dụng đất cũng như chi phí lấn biển để nhà đầu tư tính toán, quyết định phương án đầu tư.
Do trước đây, việc giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển được tiến hành trước, sau khi hoàn thành mới giao đất, điều này gây ra sự chậm trễ về thủ tục và khi xác định tiền sử dụng đất theo mặt bằng giá tại thời điểm hoàn thành lấn biển sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư. Do đó, ThS. Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, việc quy định Điều 190 về hoạt động lấn biển có hiệu lực sớm từ ngày 1/4/2024 sẽ tạo hành lang pháp lý để Chính phủ sớm ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển, tháo gỡ cho các dự án đã và đang triển khai, đặc biệt các dự án có cấu phần lấn biển đã lựa chọn nhà đầu tư nhưng chưa có hành lang pháp lý cụ thể để giao đất.
Một điểm nữa, Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung Chương VIII về “phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất”. Cụ thể, luật quy định việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách theo quy định (Điều 112).
“Nếu thực hiện được nguyên tắc này thì Tổ chức phát triển quỹ đất của Nhà nước sẽ trở thành nhà cung cấp quỹ đất lớn nhất trên thị trường sơ cấp, phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thông qua việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất thì toàn bộ “địa tô chênh lệch” sẽ thu vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng, sẽ được sự ủng hộ, đồng thuận của người có đất bị thu hồi và xã hội”, ThS. Nguyễn Văn Đỉnh nhìn nhận.
Bảo vệ nhà đầu tư
Theo HoREA, Luật Đất đai sửa đổi đã quy định cụ thể việc “giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất” (Điều 125) đối với “đất sạch” do Nhà nước tạo lập, hoặc “giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất” (Điều 126) đối với “đất chưa giải phóng mặt bằng” đã bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Chương VIII về “phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất”. Trong đó, Điều 126 đã quy định cơ chế thực hiện “đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư” đối với đất chưa giải phóng mặt bằng và quy định “nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu hoặc thời hạn khác theo hợp đồng đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu đảm bảo được hài hòa lợi ích của 3 chủ thể có liên quan.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Điều 126 đảm bảo được lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất bị thu hồi đất được bồi thường theo đúng giá thị trường, được bố trí tái định cư theo hướng ưu tiên được tái định cư tại chỗ, không còn xảy ra tình trạng nhà đầu tư được ai đó “chống lưng” để “mua rẻ” đất của dân. Đồng thời, đảm bảo được lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư biết rõ chi phí và thời gian thực hiện hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và được giao đất để thực hiện dự án, không còn xảy ra tình trạng “đầu nậu” núp bóng sau lưng “chủ đất” gây khó dễ cho nhà đầu tư. Toàn bộ “địa tô chênh lệch” được thu vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng thì sẽ được sự ủng hộ, đồng thuận của người có đất bị thu hồi và xã hội.
Hơn thế nữa, thực hiện được việc này sẽ xây dựng được môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh và sẽ làm tăng chỉ số “năng lực cạnh tranh quốc gia” của nước ta.