Mâu thuẫn nhà tốt nhưng giá phải rẻ
Ảnh minh họa |
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn còn chậm, nguyên nhân là chính sách mới hoàn thiện, thứ hai đây là chiến lược phát triển dài hạn lâu dài, chứ không phải trung hạn, ngắn hạn.
Mặt khác phát triển nhà ở xã hội cần rất nhiều tiền, trong khi ngân sách nhà nước không có để đầu tư mà cần phải xã hội hoá.
Một mâu thuẫn nữa là phát triển nhà ở xã hội ở đô thị yêu cầu là phải chất lượng nhà tốt nhưng giá phải rẻ, để phù hợp với người có thu nhập thấp. Vì vậy, đầu tư vào nhà ở xã hội không thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà ở xã hội chậm triển khai, thực hiện.
Đến nay các Nghị định, Thông tư hướng dẫn phát triển nhà ở xã hội đang được hoàn thiện và trong năm 2015, Luật Nhà ở mới đi vào cuộc sống, nói như vậy để thấy rằng chính sách của chúng ta vẫn còn rất mới. Tuy vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của nhiều địa phương và sự chỉ đạo của Chính phủ, trong những năm vừa qua chúng ta đã phát triển được 40.000 nhà ở xã hội, đáp ứng cho gần 200.000 người dân. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng |
Xuất phát từ những nguyên nhân này, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, để đẩy mạnh việc triển khai nhà ở xã hội, cần phải đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở, trong đó tạo môi trường để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó cần có sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương và đặc biệt là vai trò của các địa phương trong việc lập chương trình làm việc, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. “Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của kế hoạch 5 năm và hằng năm”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Theo đó, các địa phương cần tập trung chuẩn bị quỹ đất, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội một cách thuận lợi nhất.
Đồng thời cũng tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ, công nhân các khu công nghiệp được thuê để cải thiện chỗ ở mà pháp luật đã cho phép.
“Làm được như vậy, tôi tin tưởng rằng là chắc chắn từng bước những người có nhu cầu sẽ được tiếp cận và cải thiện chỗ ở cho mình”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Liên quan đến vấn đề hiện nhiều dự án nhà ở công nhân rất ít người ở do chưa đủ cơ sở hạ tầng đồng bộ như dịch vụ y tế, giáo dục... Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, để phát triển nhà ở công nhân thì vai trò của các cấp chính quyền và sự chỉ đạo của các cơ quan thuộc Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách là rất quan trọng.
Nhưng điều cần được quan tâm ở đây là trong Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, cũng như trong Luật Nhà ở và các Nghị định hướng dẫn sắp ban hành thì yêu cầu là phải gắn phát triển các khu công nghiệp với việc phát triển nhà ở.
Bởi các khu công nghiệp tạo ra sự gia tăng cơ học về người lao động rất nhanh, nếu chúng ta không chủ động quỹ đất để phát triển nhà ở thì người công nhân sẽ rất khó khăn trong việc cải thiện nhà ở. Do vậy, phải gắn phát triển công nghiệp với phát triển nhà ở, trong đó đặc biệt lưu ý lấy dịch vụ phục vụ nhà ở làm trọng tâm để nâng cao chất lượng cuộc sống của người công nhân, lao động.
Đồng thời, phải bảo đảm để người công nhân có chỗ gửi trẻ, học hành, mua sắm và khám chữa bệnh tại chỗ. Cũng như, phải kết nối giao thông công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí của người lao động...