Mở cửa cho trái phiếu dự án hợp tác công tư
Nghị định 28/2021 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt về vốn cho nhiều dự án cao tốc trọng điểm |
Bước tiến gọi vốn xã hội cho hạ tầng
Ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính cho rằng, việc nghị định này chi tiết hóa các quy định thực hiện các nội dung liên quan đến phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự án PPP (đã được luật hóa tại Điều 78 Luật Đầu tư theo hình thức PPP) là một trong những bước tiến đáng kể để các dự án hạ tầng có thể mở rộng khả năng huy động vốn xã hội hóa.
Theo ông Tuấn Anh, so với các quy định trước đây, nguyên tắc xác định dòng tiền trong phương án tài chính dự án PPP theo quy định tại Nghị định 28 đã khá chặt chẽ. Dòng tiền được xác định là dòng tiền sau thuế sẽ đảm bảo phản ánh đầy đủ, minh bạch các chi phí của dự án, đảm bảo tính thống nhất trong lập phương án tài chính dự án PPP. Trong khi đó, các quy định mở về phát hành trái phiếu được thể hiện chi tiết tại Điều 6 của Nghị định sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để doanh nghiệp dự án PPP vừa mở rộng huy động vốn xã hội hóa vừa quản trị rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu dự án PPP.
Ông Dominic Scriven - Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn 2016 - 2020, danh mục các dự án PPP ưu tiên thực hiện tại Việt Nam có tổng vốn khoảng hơn 375.000 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 120.000 tỷ đồng là dự kiến vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án. Như vậy phần vốn cần huy động từ khối tư nhân là rất lớn, nếu chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng thì sẽ rất rủi ro, đồng thời cũng lãng phí cơ hội của các nhà đầu tư khác trên thị trường vốn.
“Việc Chính phủ mở ra pháp lý cho các doanh nghiệp dự án PPP phát hành trái phiếu thời điểm này là rất phù hợp bởi quy mô thị trường vốn tại Việt Nam hiện nay đã gần bằng quy mô GDP”, ông Dominic Scriven khẳng định.
Thông thường khi thị trường phát triển, sẽ nở rộ các nhà đầu tư vào các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, quỹ tín thác, quỹ hạ tầng, công ty quản lý tài sản… nhà đầu tư có xu hướng ưa thích đầu tư, nắm giữ trái phiếu kỳ hạn dài 5-10 năm cho đến kỳ thanh toán.
Vẫn nên mở hơn về đối tượng tham gia
Ở góc độ các nhà đầu tư dự án PPP, theo phân tích của Vụ Đối tác công - tư, Bộ Giao thông - Vận tải việc mở ra pháp lý cho hoạt động phát hành trái phiếu PPP sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi để các nhà đầu tư hạ tầng phát hành trái phiếu dự án. Bởi từ trước đến nay, các chủ đầu tư tham gia dự án PPP luôn muốn được phát hành trái phiếu do lãi suất cố định, dễ tính toán phí tài chính của dự án, hơn nữa nguồn vốn này là dài hạn phù hợp với tính chất của các dự án hạ tầng, trong khi nhà đầu tư trái phiếu PPP cũng sẽ không kiểm soát chặt chẽ bằng các ngân hàng thương mại.
Trên thực tế, hiện nay mặc dù Luật Đầu tư hình thức PPP và Nghị định 28 chỉ mới bắt đầu có hiệu lực, nhưng hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP đã nhấp nhỏm kế hoạch phát hành trái phiếu dự án để huy động vốn từ thị trường.
Chẳng hạn, mới đây, dự án Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đã được chính quyền tỉnh Lâm Đồng và các chủ đầu tư thống nhất thúc đẩy thực hiện với quy mô đầu tư giai đoạn 1 khoảng trên 16.400 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương và địa phương 6.500 tỷ đồng, phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại. Ngân hàng Nam A Bank một điển hình mới đây đã hợp tác và chuẩn bị tất cả các điều kiện để phát hành khoảng 5.000 tỷ đồng trái phiếu dành cho dự án này.
Đối với các dự án khác lớn hơn như 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, Bộ Giao thông - Vận tải tính toán mỗi dự án nhà đầu tư phải huy động khoảng nhu cầu 4.000 tỷ đồng từ nguồn vay tín dụng và vốn chủ sở hữu. Vì thế tất cả các dự án đều đang cân nhắc phát hành trái phiếu theo Nghị định 28 để kêu gọi vốn.
Mặc dù điều kiện pháp lý để phát hành trái phiếu dự án PPP đã mở, tuy nhiên TS. Nguyễn Xuân Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, hiện việc huy động vốn cho các dự án PPP không phải không có vướng mắc bởi hình thức huy động vốn này từ trước đến nay chưa có tiền lệ. Các dự án PPP hạ tầng hầu hết lại là các dự án quy mô đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên chưa hẳn là sẽ hấp dẫn được các nhà đầu tư mua trái phiếu của các quỹ.
Ở khía cạnh pháp lý, theo ông Thủy, Nghị định 28 mặc dù cụ thể hóa các quy định và hướng dẫn chi tiết Luật PPP, nhưng các quy định “đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” (Khoản 6, Điều 6) vô tình cũng hạn chế đối tượng tham gia mua trái phiếu dự án PPP, bởi theo Luật Chứng khoán “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được quy định là: ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán. Như vậy các định chế tổ chức như quỹ tín thác, quỹ hạ tầng, quỹ hưu trí và các quỹ đầu tư khác có nguồn vốn và thậm chí có năng lực thực hiện dự án cũng khó mua được trái phiếu dự án PPP.