Muốn doanh nghiệp tư nhân "lớn nhanh" phải xây dựng mục tiêu đủ cao để hành động
DN tư nhân hiến kế cho đất nước cường thịnh | |
Rào cản và những chiến lược ưu tiên cho doanh nghiệp | |
Khi doanh nghiệp tư nhân chậm lớn |
Tham gia hội thảo có đại dại của cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế... |
Giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân đã phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Luyến (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) chỉ ra rằng, trong nhóm 30 cổ phiếu có vốn hóa vượt mức 1 tỉ USD tính đến ngày 17/7/2020 thì có 13 mã cổ phiếu thuộc doanh nghiệp tư nhân, chiếm đến 41,98% tổng vốn hóa của cả nhóm 30 mã.
Những lĩnh vực trước đây độc quyền nhà nước thì nay đã có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân như hàng không với Vietjet Air, Bamboo Airway đã làm cho thị trường cạnh tranh hơn và đông đảo người dân được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, trong mọi thời kỳ phát triển của đất nước, doanh nghiệp luôn là một trong những trụ cột của nền kinh tế. Trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mỗi giai đoạn, vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, được thể hiện khá rõ.
Trong đó phải kể đến vai trò phản hồi “điểm nghẽn” về thể chế, cơ chế, chính sách từ các doanh nghiệp tư nhân thông qua các cuộc điều tra, khảo sát, phương tiện thông tin đại chúng; đề xuất những quan điểm, kiến nghị; lấy ý kiến để xây dựng chiến lược đảm bảo tính khả thi của các nhiệm vụ, giải pháp cũng như đột phá chiến lược đã đề ra. Đặc biệt là vai trò hiện thực hóa các chiến lược đặt ra trong từng giai đoạn.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, trong công cuộc phát triển lần này, doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân mà nòng cốt là doanh nghiệp tư nhân, có cơ hội và trách nhiệm phát huy vai trò động lực của nền kinh tế, góp sức thực hiện những chuyển đổi với một giấc mơ lớn, táo bạo về một Việt Nam thịnh vượng đang hình thành.
Đặt mục tiêu cao để hành động
Tuy nhiên, trước những đóng góp to lớn và những kỳ vọng vào sự đóng góp của doanh nghiệp tư nhân cho sự phát triển của đất nước thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa “không chịu lớn” và không muốn chính thức hóa hoạt động kinh doanh - một trong những thực trạng của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay.
Toàn cảnh hội thảo |
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, tốc độ chuyển dịch doanh nghiệp từ nhỏ lên vừa rất chậm và tỉ lệ chuyển lên được cũng rất thấp.
Vài năm gần đây có thêm hiện tượng hàng trăm doanh nghiệp tư nhân phải mất 10-20 năm mới phát triển lên quy mô vừa, nhưng khi tương đối thành công lại quyết định rút khỏi thị trường, bán hoặc sáp nhập doanh nghiệp mình vào doanh nghiệp khác, chủ yếu là doanh nghiệp FDI.
Ngay cả trào lưu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ năm 2016 đến nay dù được Chính phủ khuyến khích bằng nhiều chính sách ưu đãi cũng mới thu hút được vài ngàn người, chủ yếu là giới trẻ tham gia.
“Tình trạng này phản ánh việc thiếu niềm tin ở năng lực của bản thân, ở môi trường kinh doanh và sự bảo vệ của luật pháp khiến nhiều người tham gia kinh doanh chỉ nhằm mưu sinh, cầm chừng, cốt cho đủ ăn hơn là dám làm lớn hay làm ăn lâu dài”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Vì vậy, để phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp ngoài nhà nước đến năm 2030, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cần cải cách, đổi mới thể chế và giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%...
Đặc biệt, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh đến vai trò của việc xây dựng mục tiêu đủ cao để hành động phát triển kinh tế tư nhân, đây sẽ vừa là động lực vừa là sức ép để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn.