Nâng cao năng lực số là chìa khóa thành công
Số hóa thúc đẩy sự thịnh vượng của Đông Nam Á | |
Tăng thu dịch vụ: Bứt phá mạnh trong thời số hóa | |
Số hóa giúp quá trình ra quyết định nhanh hơn |
Đi đầu trong chuyển đổi số
Trong kỷ nguyên của cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng phát triển tất yếu đối với các doanh nghiệp. Nhiều dự báo cho thấy, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng khoảng 29%. Trong đó, tài chính – ngân hàng là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số. Theo kế hoạch chuyển đổi số của NHNN Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, dịch vụ tài chính đóng vai trò chủ động, kiến tạo và tiên phong trong quá trình phát triển và chuyển đổi số ở Việt Nam. Đại dịch Covid-19 bùng phát càng thúc đẩy nhanh tiến trình này.
Theo đó, các ngân hàng tại Việt Nam theo đuổi những hình thức chuyển đổi số khác nhau. Điển hình trong việc số hóa các dịch vụ ngân hàng đang có sẵn bao gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Ngoài ra còn phải kể đến Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), với sự ra mắt của ngân hàng số YOLO và Ngân hàng TMCP Bản Việt là ngân hàng số Timo.
Ảnh minh họa |
Kết quả khảo sát Mức độ sẵn sàng kỹ năng số của PwC Việt Nam cho thấy, ngành DVTC tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển đáng kể. 97% các thành viên thuộc ban lãnh đạo các doanh nghiệp DVTC tin rằng công nghệ sẽ đem lại ảnh hưởng tích cực đến triển vọng công việc trong tương lai. Tuy nhiên khảo sát cũng cho thấy, nhiều nhân viên tỏ ra khá lo lắng về khả năng làm việc trong tương lai của mình khi dưới tác động của công nghệ, một số công việc trong ngành DVTC có thể trở nên thừa thãi trong tương lai, như: nhân viên phân tích tài chính, nhân viên nhập dữ liệu...
Mặc dù vậy, ngành DVTC tại Việt Nam đã và đang nắm giữ vai trò chủ động, kiến tạo hành trình nâng cao năng lực nội bộ để đảm bảo nguồn nhân lực có thể thích ứng và thành công trong tương lai. Cụ thể 54% người tham gia khảo sát hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức tài chính lớn cho biết họ đang có nhiều cơ hội để nâng cao kỹ năng tại nơi làm việc. 62% người được khảo sát trong ngành DVTC cho biết mỗi cá nhân có trách nhiệm trong việc đào tạo và trau dồi kỹ năng; trong đó 41% nhân viên thuộc ngành DVTC cho biết họ đang tự học thêm những kỹ năng mới để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Điều đó có thể xuất phát từ việc các doanh nghiệp DVTC đang chủ yếu tập trung theo đuổi các xu hướng công nghệ, cụ thể là những dự án chuyển đổi số, tăng cường trải nghiệm người dùng, thanh toán phi tiền mặt… của các tổ chức tài chính.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Với nhiều biến động và những tác động đến từ tự động hóa trong tương lai gần, những nỗ lực hiện nay cho thấy ngành DVTC đang tiên phong trong cuộc đua chuyển đổi số. Tuy nhiên, thành công bền vững đòi hỏi một chiến lược bao quát hơn. Cùng với những nỗ lực và thành tích lạc quan trong hành trình chuyển đổi số của ngành DVTC, chúng ta cần nhận ra rằng để duy trì và đảm bảo thành công trong tương lai, việc nâng cao năng lực cần được tiếp cận từ nhiều góc độ: mỗi cá nhân, từng doanh nghiệp và một chương trình bao quát từ toàn ngành.
PwC khuyến nghị ba cách để tiếp tục nâng cao năng lực cho ngành DVTC. Đó là áp dụng song hành nâng cao và đào tạo lại kỹ năng. Trong đó, PwC cho rằng xác định chính xác những kỹ năng cấp thiết để thành công trong tương lai là một thử thách lớn đối với lãnh đạo doanh nghiệp. Báo cáo Tài năng tương lai 2020 của PwC cho rằng, mặc dù việc nâng cao năng lực để trang bị cho tương lai là rất quan trọng, các cá nhân cũng cần được đào tạo lại các kỹ năng để đảm bảo thích ứng tốt trong hiện tại đầy biến động.
Hợp tác hiệu quả cũng là một phương thức nâng cao năng lực cho ngành. Đặc biệt trong bối cảnh các nhu cầu về nguồn lực đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp DVTC. Với tầm quan trọng thiết yếu của ngành này đối với nền kinh tế cả nước, Chính phủ có thể hợp tác cùng với ngành DVTC để tìm ra các giải pháp dài hạn trong việc tiếp cận các vấn đề về nâng cao kỹ năng và thu hẹp khoảng cách năng lực. Một phương thức khác mà doanh nghiệp không thể bỏ qua đó là thấu hiểu mối tương quan giữa đào tạo lại, năng suất công việc và tự động hóa.
Trong đó Chính phủ và các tổ chức DVTC có thể liên kết trong các chương trình tài trợ nhằm triển khai các sáng kiến về đào tạo lại năng lực gắn liền với tạo thêm việc làm và cải thiện năng suất. Nguồn nhân lực với đầy đủ những kỹ năng thiết yếu và hiệu quả có thể cải thiện năng suất doanh nghiệp đáng kể, từ đó đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước.
“Đại dịch COVID-19 đã biến vấn đề về nâng cao năng lực từ một dự án nhân sự nội bộ trở thành một chiến lược cấp thiết có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của các doanh nghiệp và thay đổi cách chúng ta làm việc. Bằng cách tận dụng và phát huy các nỗ lực đào tạo kỹ năng hiện nay, ngành DVTC tại Việt Nam có khả năng đem lại những ảnh hưởng tích cực trong hành trình chuyển đổi số”, báo cáo PwC khuyến nghị.
“Công nghệ sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc, nhưng không thể khiến con người trở nên dư thừa. Cùng với công nghệ, nhiều công việc mới sẽ xuất hiện, trong khi có những công việc khác sẽ biến mất. Nâng cao năng lực số sẽ là chìa khóa quyết định sự thành công cho ngành DVTC trong tương lai”, ông Võ Tấn Long - Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Kỹ thuật số PwC Việt Nam cho biết. |