Nên tăng quyền cho chủ nợ
Chính phủ quyết liệt đẩy nhanh xử lý nợ xấu | |
Không nên xem xử lý nợ xấu là việc của riêng NHNN | |
Các bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành NH trong xử lý nợ xấu |
Ông Lê Thành Trung |
Phó Tổng giám đốc HDBank, TS. Lê Thành Trung đã nhấn mạnh giải pháp trên khi chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng về những băn khoăn của các NH hiện nay trong vấn đề xử lý nợ xấu.
Đâu là những vấn đề mà ông thấy lo ngại trong thời gian tới, thưa ông?
Đó là hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN hiện nay vẫn chưa cao, dẫn đến chi phí sản xuất lớn. Nhất là việc đưa ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật vào DN còn hạn chế. Chính vì vậy, giá thành hàng hoá Việt Nam kém cạnh tranh so với DN khu vực FDI cũng như các nước vùng lân cận. Một vấn đề tồn tại nữa, NH vẫn đang chịu hậu quả từ quá khứ liên quan đến nợ xấu.
Thời gian qua với nhiều giải pháp của Chính phủ, NHNN nên đã có những tiến triển tích cực. Và mới đây VAMC được bổ sung thêm một số “quyền năng” như có thể mua bán nợ xấu theo giá thị trường, chủ động mua bán, cơ cấu nợ… Đấy là tín hiệu tốt. Nhưng để đẩy nhanh xử lý nợ xấu thì tôi cho rằng cần thêm công cụ, hành lang pháp lý.
Vậy, theo ông, giải pháp nào sẽ giúp thúc đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu?
Tôi cho rằng, khi chúng ta chấp nhận nợ xấu mua bán theo giá thị trường chắc chắn sẽ có tổn thất nhất định. Có thể coi tổn thất đó là rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Chúng ta đánh giá rõ khoản nợ nào mà do yếu tố khách quan gây ra thì phải chấp nhận thiệt hại.
Để có bước đi mạnh mẽ, dứt điểm trong vấn đề nợ xấu, việc thực hiện theo chủ trương của Thủ tướng kiên quyết không hình sự hoá các quan hệ kinh tế đã được đưa ra trong cuộc gặp các DN là rất quan trọng. Muốn xử lý nợ xấu mà không để thiệt hại, không mất đồng vốn mà lại hình sự hóa quan hệ kinh tế thì rất khó xử lý. Như vậy hoạt động này chắc chắn chậm trễ. Một vấn đề nữa đang gây trở ngại cho việc xử lý nợ xấu của NH đó là liên quan đến thủ tục hành chính.
Ông có thể nói rõ hơn?
Thực tế hiện nay, quy trình để xin cấp giấy chứng nhận hay chuyển quyền giấy chứng nhận nhà đất rất rắc rối và mất nhiều thời gian. Mà tài sản đảm bảo của khách hàng tại NH chủ yếu là BĐS. Chưa kể từ lúc NH khởi kiện đến lúc thi hành một bản án quá lâu nên việc xử lý khoản nợ xấu gặp vô vàn khó khăn.
Tôi cho rằng, đã đến lúc có những cơ chế giao quyền cho các chủ nợ lớn hơn. Nghĩa là, thay vì chủ nợ lần lượt đi khởi kiện người vay nợ ra toà, sau đó qua các lần xử sơ thẩm, phúc thẩm, thi hành án… mới có quyền thu giữ, phát mại tài sản, thì có thể có một cơ chế cho chủ nợ được quyền xử lý tài sản đảm bảo để đảm bảo thu hồi nợ.
Nhưng để tránh chuyện chủ nợ lợi dụng quyền hạn này thì người vay nợ được bảo lưu toàn bộ quyền được khởi kiện, nếu chủ nợ làm sai. Nếu chúng ta làm được như vậy, theo tôi không chỉ giải quyết rất nhanh việc xử lý tài sản đảm bảo mà số lượng án từ tồn đọng đến khởi kiện cũng giảm đi đáng kể.
Với quy định này, người vay nợ được đảm bảo hoàn toàn quyền của mình không chỉ khởi kiện mà thậm chí có thể bắt bồi thường số tiền rất lớn nếu như quyết định của chủ nợ sai. Như vậy, người cho vay cũng buộc phải cẩn thận hơn rất nhiều, khi cho vay thẩm định kỹ, đảm bảo hồ sơ vay chặt chẽ…
Còn không, nếu cứ để theo cách như hiện nay, họ sẽ không cảm thấy áp lực phải trả nợ, nên NH cứ phải đi đòi và không biết năm nào mới thu hồi được. Trong khi Chính phủ đang kêu gọi tất cả các bộ ngành phải nỗ lực làm sao mọi thủ tục hành chính phải triển khai nhanh nhất, theo tôi, nếu triển khai theo cách trên, xử lý nợ xấu nói riêng, tiến trình phát triển kinh tế xã hội nói chung sẽ suôn sẻ, trôi chảy hơn rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!