Số hóa ngân hàng thúc đẩy kinh tế - xã hội
Tự động hóa - bước tiến lớn trong số hóa ngân hàng | |
Số hóa ngân hàng góp phần thay đổi doanh nghiệp | |
Nâng cấp số hóa ngân hàng |
Ông có thể cho biết những thành tựu mà ngành Ngân hàng nói chung và TP.HCM nói riêng đạt được nhờ quá trình chuyển đổi số?
Có thể khẳng định từ khi thành lập đến nay, ngành Ngân hàng luôn đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động với nhiều dấu ấn về sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, thậm chí có những dịch vụ phát triển nhanh đến mức mà nếu ngược trở lại những năm 89-90 của thế kỷ trước chúng ta không thể tưởng tượng ra.
Nhờ số hoá người dân có thể ngồi tại nhà giao dịch, thanh toán hoá đơn các dịch vụ thiết yếu, thanh toán dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế, đóng học phí học… qua Internet Banking, Mobile Banking; qua QR Code, ví điện tử. Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, đạt mục tiêu phát triển của thành phố văn minh hiện đại.
Có thể nói, những kết quả từ ứng dụng công nghệ, số hóa ngành Ngân hàng đã mang lại lợi ích to lớn cho khách hàng; và đặc biệt là giúp đẩy nhanh quá trình tuần hoàn và chu chuyển vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế. Số hoá không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, các TCTD mà còn góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ; quản lý, quản trị quốc gia với những giải pháp hữu hiệu về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tội phạm và bảo đảm an ninh tiền tệ.
Vậy tiến trình chuyển đổi số của hệ thống các TCTD trên địa bàn thế nào, thưa ông?
Chuyển đổi số trong nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng đã và đang diễn ra tích cực với hai động lực chính. Thứ nhất, về mặt chủ trương chính sách, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN). Thứ hai, xu hướng phát triển tất yếu và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến mọi ngành, lĩnh vực và tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải đổi mới, ứng dụng và phát triển công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để tồn tại và phát triển.
Đối với ngành Ngân hàng, triển khai Quyết định 810/QĐ-NHNN, các TCTD nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng đã và đang chủ động xây dựng, triển khai các đề án phát triển ngân hàng số tại mỗi đơn vị, phù hợp với điều kiện của TCTD và đặt trong mục tiêu chung về số hóa ngành Ngân hàng.
TP.HCM đang làm mô hình thẻ Visa thanh toán phí giao thông công cộng như các thành phố hiện đại trên thế giới |
Trong quá trình này, ở góc độ địa phương, trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, NHNN thành phố đã tập trung triển khai đến các TCTD trên địa bàn đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số của Chính phủ, của NHTW và UBND TP.HCM. NHNN chi nhánh TP.HCM cũng đã thực hiện khảo sát kết quả công tác chuyển đổi số của các TCTD trên địa bàn. Kết quả khảo sát cho thấy, các ngân hàng đã thực hiện triển khai nhiều dịch vụ trên nền tảng số, ngân hàng số nhưng chủ yếu tập trung ở các dịch vụ người dân và doanh nghiệp đang sử dụng nhiều nhất, như eKYC (xác thực khách hàng điện tử), dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ, dịch vụ chuyển khoản, chuyển tiền 24/7...
Theo ông thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số là gì. Ông khuyến nghị nào không?
Như đã nói ở trên, có nhiều cơ hội cho cả bên cung cấp dịch vụ và người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, quá trình chuyển đổi số cũng sẽ gặp phải không ít những thách thức. Thứ nhất khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện khiến việc phát triển thêm các dịch vụ trực tuyến, ví dụ hoạt động cho vay trên nền tảng số bị hạn chế. Thứ hai, trong quá trình chuyển đổi số, phát triển và làm chủ công nghệ là yếu tố quan trọng, các ngân hàng hiện nay đều sử dụng hệ thống công nghệ do bên thứ ba cung cấp với công nghệ khác nhau và ở mỗi TCTD lại có mô hình kinh doanh, văn hóa làm việc khác biệt nên cần có nhiều thời gian để giám sát, quản lý.
Bên cạnh đó, sự phát triển các dịch vụ ngân hàng số yêu cầu mở rộng kết nối khách hàng trên không gian mạng, dẫn đến gia tăng sự xâm nhập của tội phạm mạng; sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ dẫn đến sự phát sinh các lỗ hổng bảo mật mới, rủi ro luôn gia tăng cùng quy mô phát triển. Các ngân hàng cần luôn quan tâm đầu tư đủ lớn để vừa phát triển sản phảm dịch vụ, vừa đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin. Ngoài ra, tốc độ phát triển nhanh của công nghệ hiện nay cũng là một thách thức không nhỏ đối với quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng. Nếu ngân hàng triển khai chậm, hay không đủ nguồn lực triển khai sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Xin cảm ơn ông!