Ngành điều Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh
Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 2,66 triệu tấn hạt điều thô, trị giá 3,07 tỷ USD, tăng 46,5% về lượng và tăng 19,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Có 5 thị trường cung cấp hạt điều thô lớn nhất cho Việt Nam đó là Bờ Biển Ngà, Campuchia, Nigeria, Ghana và Tanzania. Trong đó, hạt điều thô nhập từ Bờ Biển Ngà và Campuchia chiếm 57,5% tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành điều trong 11 tháng năm 2023.
Hiện sản lượng hạt điều thô nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà đạt 850.000 tấn, trị giá 919,3 triệu USD, tăng 86,6% về lượng và tăng 56,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến, sản lượng hạt điều thô nhập từ Campuchia đạt 613.200 tấn, trị giá đạt 835,3 triệu USD; giảm 13,8% về lượng và giảm 23,3% về giá trị.
Ở chiều ngược lại, trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 3,31 tỷ USD, cao hơn con số 3,05 tỷ USD mà ngành hạt điều đã điều chỉnh giảm kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 trước đó.
Ngành điều Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có thế mạnh về nguồn nguyên liệu điều thô |
Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt 65 nghìn tấn, trị giá 358 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 0,03% về trị giá so với tháng 10/2023; so với tháng 11/2022, tăng 34,5% về lượng và tăng 30,7% về trị giá.
Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 582 nghìn tấn, trị giá 3,31 tỷ USD, tăng 23,1% về lượng và tăng 17,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Ước tính giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt mức 5.512 USD/tấn, giảm 12,6% so với tháng 10/2023 và giảm 2,8% so với tháng 11/2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.682 USD/tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu chủng loại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, tỷ trọng chiếm 63,51% tổng lượng và 69,84% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu các chủng loại hạt điều trên đã tác động tích cực lên toàn ngành.
Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất hạt điều của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Trung Quốc đang nổi lên là một người mua tích cực.
Cụ thể, trong tháng 10/2023, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc đạt 14.854 tấn với trị giá hơn 88,7 triệu USD, tăng 69,4% về lượng và tăng 77% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng này cao nhất từ đầu năm và đưa Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nhà nhập khẩu hạt điều Việt Nam lớn nhất trong tháng 10/2023.
Theo các chuyên gia, với sự phát triển công nghệ hiện nay, hạt điều Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác. Nhất là những quốc gia có thế mạnh về nguồn nguyên liệu điều thô như Bờ Biển Ngà. Do đó, ngành điều cần chú trọng chất lượng chế biến và đa dạng sản phẩm chế biến để tăng lợi thế cạnh tranh...
Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù giá điều xuất khẩu những thàng gần đây có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2022. Song đây không phải là điều đáng quan ngại. Bởi dự báo ngành điều vẫn có triển vọng tốt trong năm 2024, nhiều thị trường thế giới như EU, Nhật Bản… vẫn có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ điều. Minh chứng rõ nét, từ cuối năm 2023 đơn đặt hàng nhập khẩu của các nước như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đang tăng lên và thời điểm này, các nhà máy chế biến điều của Việt Nam đang phải hoạt động khá tốt và đang chạy đua với thời gian để hoàn thành đơn hàng trong tháng cuối năm 2023...
Triển vọng là có, song theo nhận định chung của các doanh nghiệp, ngành điều đang phải đối mặt với bài toán nguyên liệu, những yếu tố bất ổn vẫn còn đang tồn tại…. Cùng với đó, làn sóng dịch chuyển sang sản xuất xanh theo xu thế toàn cầu. Trong đó, về nguyên liệu, diện tích điều ngày càng thu hẹp bởi người dân chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn như: sầu riêng, mít…
Do đó, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước cần có sự đồng lòng, đoàn kết để điều tiết giá nhập khẩu nguyên liệu điều thô và giá điều nhân chế biến. Về làn sóng chuyển đổi xanh, theo các doanh nghiệp, các thị trường ngày càng có những yêu cầu khắt khe hơn về những tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội…
Vây nên, các doanh nghiệp phải xác định từng bước nâng cao chất lượng nguồn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh để đáp ứng các tiêu chuẩn của các đối tác… Doanh nghiệp cũng phải chứng minh cho đối tác thấy trách nhiệm xã hội, môi trường…
Cùng với sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp, Hiệp hội Điều Việt Nam đề xuất, trong thời gian tới nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến xuất khẩu điều. Đặc biệt, có cơ chế linh hoạt trong việc thu ngoại tệ khi xuất khẩu, cụ thể là bán thị trường nào thì thu ngoại tệ thị trường đó...