Ngành gỗ và kỳ vọng bứt phá
Những trăn trở của doanh nghiệp ngành gỗ | |
Ngành gỗ với thách thức về nguồn cung nguyên liệu | |
Ngành gỗ vẫn còn nhiều dư địa |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này là khá khả quan, bởi xuất khẩu quý I/2021 đã có sự đột biến tăng tới 41,5% so với cùng kỳ năm trước đó.
Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho biết, khác với việc thiếu đơn hàng và khá bị động khi dịch bệnh bùng phát trong năm 2021, năm nay, nhu cầu nội thất thế giới vẫn trên đà tăng. Doanh nghiệp ngành nội thất Việt Nam hiện đã kín đơn hàng cho đến quý III thậm chí là hết năm 2022. Như CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT) đã nhận được đơn hàng xuất khẩu trong năm nay là 9 triệu USD và đảm bảo sản xuất gối đầu trong 4 tháng tiếp theo. Với đà tăng trưởng này, ông Phương cho rằng kế hoạch đặt ra của ngành gỗ là khoảng 16,5 tỷ USD cuối năm 2022 hoàn toàn khả thi. Thậm chí trước đó, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) còn dự báo xuất khẩu ngành gỗ hoàn toàn có thể đạt mức 17,5-18 tỷ USD.
Ảnh minh họa |
Điểm tựa cho việc thực hiện kế hoạch này là sự tiếp nối có hiệu lực của các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đã đang tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi mức thuế giảm dần về bằng 0. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ của Trung Quốc bị gián đoạn khi thực hiện chiến lược “Zero Covid” cũng là cơ hội để ngành gỗ Việt Nam tăng thị phần xuất khẩu tại các thị trường chủ lực như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cùng với đó là các đơn hàng tại thị trường Mỹ và EU đang phục hồi tốt. Đặc biệt với thị trường xuất khẩu gỗ Mỹ chiếm tới 59,24% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2021 (đạt trên 8,77 tỷ USD, tăng tới 22,42% so với năm 2020), Việt Nam có thêm lợi thế cạnh trạnh sau kết quả từ bộ thương mại Mỹ kết luật không áp dụng thuế chống bán phá giá lên các mặt hàng gỗ Việt Nam, trong khi các sản phẩm gỗ Trung Quốc hiện đang có mức áp thuế 25-28%. Kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Mỹ vì thế tiếp tục tăng mạnh, chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ trong 2 tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh đó là một số thị trường triển vọng như Australia và các quốc gia Trung Đông. Đặc biệt là kỳ vọng xuất khẩu đồ gỗ chính ngạch sang Trung Quốc vào cuối năm 2022.
Kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ cũng đang phản ánh xu hướng và kỳ vọng này. Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT) vừa thông qua kế hoạch năm 2022 doanh thu thuần đạt 500 tỷ đồng, tăng 48% so thực hiện năm 2021. Trong đó, doanh thu xuất khẩu dự kiến tăng 48% lên 425 tỷ đồng, chiếm 85% kế hoạch doanh thu thuần. Doanh nghiệp dự kiến thu về hơn 94,3 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2022, tăng 55% so với năm trước và lên kế hoạch trả cổ tức năm 2022 theo tỷ lệ 40%, bằng mức cổ tức dự kiến chi trả trong năm 2021.
Kế hoạch tăng trưởng của công ty thêm điểm tựa khi giải quyết được những nút thắt lớn của ngành hiện nay là nguyên liệu gỗ và năng lực sản xuất. Bên cạnh sự chuẩn bị về con người công ty sẽ mở rộng nhà máy ở Bình Dương, mua thêm nhà ở Đồng Nai để tăng năng lực sản xuất. Công ty cũng đã chuẩn bị sẵn 5 - 6 nghìn khối gỗ đảm bảo ít bị ảnh hưởng khi giá ngoài thị trường biến động tăng. Đồng thời chủ động các giải pháp phòng ngừa nếu thị trường Mỹ áp dụng chính sách thuế phòng vệ trong tương lai.
Dự thảo kế hoạch kinh doanh 2022 trình Đại hội cổ đông của Phú Tài cũng đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 7.250 tỷ đồng và 790 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 21%. Trong đó mảng gỗ tiếp tục là trợ lực chính với kế hoạch doanh thu đạt 3.990 tỷ đồng tăng 16% so với năm 2021, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 21% đạt 377 tỷ đồng. Các chuyên gia nhận định, năm 2022 và các năm tới, mảng kinh doanh gỗ của Phú Tài tiếp tục tăng trưởng nhờ các hiệp định thương mại và nhu cầu nội thất cao tại Mỹ khi nhu cầu xây dựng tại nước này tăng mạnh. Doanh nghiệp dự kiến sẽ đầu tư mở rộng thị trường gắn liền với quá trình tái cơ cấu khách hàng, chủng loại sản phẩm, phù hợp với mô hình sản xuất lớn của ngành gỗ công ty. Hiện Phú Tài sở hữu chứng nhận chứng chỉ FSC - tiêu chuẩn được hai thị trường châu Âu và Mỹ tin dùng. Doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch tận dụng tốt cơ hội dịch chuyển nhà cung ứng từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á, các hiệp định thương mại giữa châu Âu và Việt Nam... để mở rộng quy mô thị trường, khai thác hết công suất các nhà máy đã đầu tư.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đều đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tàu vận tải biển, thiếu container, giá cước phí vận tải đường biển tăng quá cao dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp cũng như tăng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.