Ngành gỗ với thách thức về nguồn cung nguyên liệu
Chủ động nguồn nguyên liệu để phục hồi xuất khẩu | |
Để ngành gỗ duy trì chuỗi sản xuất | |
Cổ phiếu ngành gỗ có cơ hội trong đại dịch? |
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức cao, đạt 1,549 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2021. Gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong tháng đầu năm. Được biết, đây là lần thứ 3 từ trước đến nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng. Lần đầu tiên là tháng 3/2021, đạt 1,512 tỷ USD, lần thứ 2 là tháng 6/2021 đạt 1,55 tỷ USD. Năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 16 tỷ USD, trong đó đóng góp chủ yếu từ gỗ và sản phẩm gỗ.
Hiện mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 5-6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ nguyên liệu |
Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia của tổ chức Forest Trends đánh giá, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Là một trong 5 ngành mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam, tuy nhiên ngành gỗ đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ từ nguồn nguyên liệu. Được biết, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 5-6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ (gỗ nguyên liệu) để chế biến ra các sản phẩm gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Gỗ nguyên liệu là một trong những cấu thành quan trọng nhất trong mỗi sản phẩm, với giá trị chiếm khoảng 50% trong cơ cấu giá thành sản phẩm.
Hiện tại, dịch Covid-19 với các hoạt động giãn cách cũng tạo ra sự khan hiếm nguồn cung gỗ tại một số quốc gia cung cấp gỗ chính cho Việt Nam, đặc biệt đối với các nguồn cung gỗ nguyên liệu có rủi ro thấp như Mỹ và các nước châu Âu. Nguồn gỗ xuất khẩu càng trở nên khan hiếm đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao. Hiện, nhiều nhà cung cấp chào gỗ cho các doanh nghiệp Việt với mức giá rất cao. Trước đây, các doanh nghiệp chào gỗ nhập khẩu từ 172-175 USD/m3 gỗ bạch đàn xẻ nhưng hiện nay mức giá bị đẩy lên tới 215 USD/m3 gỗ, thậm chí có lô gỗ bạch đàn mới nhập về cảng lên tới 300 USD/m3. Giá gỗ nhập khẩu cùng với cước phí vận chuyển tăng cao làm lợi nhuận của doanh nghiệp giảm từ 8% xuống còn 3%.
Theo ông Tô Xuân Phúc, nguồn gỗ rừng trồng trong nước được kỳ vọng sẽ là một nguồn cung để thay thế một phần gỗ nhập khẩu. Nhưng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế để tạo ra nguồn cung gỗ rừng trong nước có chất lượng. Nguồn gỗ rừng trồng hiện nay của Việt Nam chủ yếu là gỗ keo trên diện tích rừng của hộ gia đình và công ty lâm nghiệp. Gỗ rừng trồng của Việt Nam phần lớn là gỗ nhỏ, với 70% được đưa vào dăm gỗ và viên nén. Lượng gỗ lớn hay gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC vẫn rất hạn chế. Mặc dù chính phủ đã có những cơ chế và chính sách phát triển gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp, đến hết tháng 8/2021 tổng diện tích rừng có chứng chỉ tại Việt Nam đạt trên 307.000 ha rừng trong đó có 40.000 ha rừng tự nhiên, 50.000 ha cao su, còn lại là rừng trồng. Diện tích rừng có chứng chỉ chiếm 8,4% trong tổng diện tích rừng trồng của cả nước.
Để giải quyết hạn chế trên, liên kết với tư nhân là giải pháp đột phá trong việc tạo nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng là gỗ lớn có chứng chỉ. Tuy nhiên, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, khó khăn lớn nhất mà khối tư nhân đang gặp phải là không tiếp cận được với nguồn quỹ đất để trồng rừng. Bên cạnh đó, siết chặt kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu, quản lý và minh bạch hóa thị trường nội địa sẽ giúp giảm lượng cung gỗ rủi ro nhập khẩu, từ đó tạo cơ hội cho các nguồn gỗ rừng trong nước.