Ngành logistics: Cơ hội vàng từ đại dịch
Phát biểu tại Hội thảo “Tác động của Covid-19 đến hoạt động Logistics ở Việt Nam”, TS.David John Whitehead Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin - Phó Chủ tịch Phòng thương mại Australia tại Việt Nam (Auscham) nhận định, Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào từng ngõ ngách của nền kinh tế thế giới, logistics cũng là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu khiến hoạt động của các DN trong ngành này bị ngưng trệ, hàng hóa tồn kho chất đống. Đặc biệt, sau Covid-19 khó khăn đó càng rõ ràng hơn cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc công ty TNHH quốc tế Delta, một đơn vị kinh doanh trong ngành logistics cho biết, thời gian qua, có những tháng doanh thu giảm tới 35%, ở giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh, doanh thu giảm theo chiều thẳng đứng gây ra sự hoảng loạn cho các DN logistics, nếu không nhanh chóng khắc phục thì việc phá sản là có thể xảy ra.
Toàn cảnh Hội thảo |
Để vượt qua khó khăn, ngay lập tức công ty đã tiến hành tái cơ cấu toàn bộ hoạt động dịch vụ, tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu nợ. Theo ông Nghĩa, các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ cũng là một động lực giúp DN vượt qua khó khăn. Đặc biệt là động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất vay vốn, công ty của ông Nghĩa đã được vay nguồn vốn ngắn hạn với lãi suất ưu đãi để vượt qua “cuộc chiến một mất một còn”.
Bên cạnh những khó khăn trước mắt, theo các chuyên gia, DN logistics Việt đang đứng trước cơ hội vàng sau đại dịch. Cụ thể, việc phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp phụ trợ, hoạt động thương mại điện tử gia tăng sẽ khiến logistics trở thành một lĩnh vực thu hút đầu tư và có nhiều cơ hội phát triển. Đồng thời, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) EVFTA cũng mang đến nhiều cơ hội và ưu đãi dành cho các DN logistics. Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Liên minh châu Âu sẽ tăng khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Ở chiều ngược lại, dự kiến, tăng trưởng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sau EVFTA cũng sẽ gia tăng nhanh chóng ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên càng nhộn nhịp, thị trường dịch vụ logistics càng mở rộng, đặc biệt là dịch vụ logistics quốc tế. Bên cạnh đó, cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam cho phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ EU là cơ hội để doanh nghiệp logistics trong nước có thể mua những sản phẩm phục vụ sản xuất với giá hợp lý, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực công nghệ, tăng cường năng lực tự thực hiện, giảm các dịch vụ thuê ngoài.
Tuy nhiên, chính cơ hội này cũng đi kèm nhiều thách thức đòi hỏi DN Việt phải vượt qua. Theo TS.David John Whitehead, DN nước ngoài có năng lực về công nghệ và tính chuyên nghiệp mà các DN nội khó so bì được. Hiện nay, mặc dù chỉ có 25 DN nước ngoài tham gia vào logistics Việt nhưng lại đang thể hiện vai trò to lớn trong việc cung cấp dịch vụ. Chi phí về logistics của Việt Nam ước tính là 41 tỷ đô la vào năm 2016, chiếm tới 21% tổng GDP và đang cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng chưa phát triển, thiếu tính kết nối giữa các phương tiện vận tải, từ đó gây tắc nghẽn giữa các đường bộ, biển, hàng không. Dịch vụ môi giới chuyển hàng tại Việt Nam cũng chưa phát triển, manh mún dẫn tới việc xe rỗng ở chiều về vẫn còn nhiều.
Cũng đồng tình với ý kiến này, ông Trần Đức Nghĩa cho biết, dù thị trường logistics trong nước phần lớn vẫn trong tay DN Việt, DN nước ngoài đang chiếm thị phần nhỏ nhưng lại nắm phân khúc tạo ra lợi nhuận lớn nhất. Theo ông Nghĩa, DN Việt hiện còn yếu và thiếu về vốn, trình độ quản lý, công nghệ. Cùng với đó, DN trong nước đang lạm dụng phương thức vận tải đường bộ - phương thức có chi phí cao nhất.
Theo đó, để tận dụng được những cơ hội trong thời gian tới, theo ông Nghĩa cần phải giải quyết được những câu chuyện về khả năng tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, đào tạo nguồn nhân lực của DN. Vì vậy, cần sự chung tay giúp đỡ của các bộ ngành liên quan cùng với sự cố gắng và nỗ lực từ chính DN.
“Cơ hội mới đang hiện hữu, tuy nhiên nó chỉ dành cho các DN nhanh chóng chuyển đổi số và áp dụng công nghệ mới. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng được cơ cấu lại, các DN có năng lực quản lý tốt, công nghệ tốt thì sẽ hoạt động tốt ngay cả trong tâm bão”, TS.David John Whitehead nhấn mạnh.