Cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là dự án luật rất quan trọng, quyết định tính pháp lý cho một ngành quan trọng là chăn nuôi. Dự án luật này cũng sẽ góp phần quyết định đến sự phát triển của ngành nông nghiệp nước ta. Vì vậy, ông đề nghị Ban soạn thảo phải rà soát lại các nội dung, tiếp thu các ý kiến rất xác đáng, nhất là phạm vi điều chỉnh, đối tượng, chuỗi sản xuất khép kín về đối tượng thức ăn, điều kiện chăn nuôi, chất thải… cho phù hợp với điều kiện nước ta và hướng tới sản xuất sạch…
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng |
Về giống và sản phẩm giống vật nuôi, có ý kiến đề nghị xem xét các quy định về quản lý giống vật nuôi để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống, sản phẩm giống vật nuôi và đáp ứng quy định của các Điều ước quốc tế; bổ sung quy định quản lý giống theo phẩm cấp khác nhau để đảm bảo cung cấp con giống đạt chuẩn về chất lượng, khuyến khích việc xuất khẩu, chuyển giao giống vật nuôi từ Việt Nam ra nước ngoài cho phù hợp với tinh thần của Luật Chuyển giao công nghệ.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến nêu trên, Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh sửa quy định về sản xuất, mua, bán sản phẩm giống vật nuôi theo hướng tổ chức, cá nhân được tự do sản xuất, kinh doanh giống, sản phẩm giống vật nuôi đáp ứng các yêu cầu đối với sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường quy định tại Điều 15.
Dự thảo Luật bổ sung giải thích thuật ngữ về giống cụ kỵ, giống ông bà, giống bố mẹ. Đồng thời, quy định điều kiện cụ thể của cơ sở sản xuất giống tương ứng với từng phẩm cấp để quản lý một cách có hệ thống, sử dụng có hiệu quả từng loại giống phù hợp với xu thế của khu vực và quốc tế. Vì đực giống và tinh, phôi có vai trò quan trọng, quyết định năng suất, chất lượng giống và sản phẩm chăn nuôi trong nước, nên trong Dự thảo Luật đã bổ sung quy định việc nhập khẩu đực giống, tinh, phôi vật nuôi nhưng phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý bằng văn bản.
Để bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các giống vật nuôi truyền thống, đặc trưng của Việt Nam, Điều 16 đã quy định Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu. Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung chính sách của Nhà nước trong bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và giống vật nuôi bản địa (điểm b, khoản 1, Điều 4).
Về thức ăn chăn nuôi, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi, vì đây là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng chăn nuôi và an toàn thực phẩm; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính.
Tiếp thu ý kiến nêu trên, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết, đã luật hóa những quy định về thức ăn chăn nuôi tại Nghị định 39/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã được kiểm nghiệm trong thực tế. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, quản lý hiệu quả chất lượng thức ăn chăn nuôi, Dự thảo Luật quy định thức ăn thương mại phải có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; được sản xuất tại cơ sở đủ điều kiện; phải được công bố sản phẩm trên Cổng thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Điều 28) với trình tự, thủ tục được quy định rõ ràng từ Điều 29 đến Điều 32.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định quản lý đối với từng loại thức ăn chăn nuôi: Đậm đặc, hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn bổ sung, theo tập quán và nguyên liệu đơn; bổ sung quy định về sử dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp hoặc thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng cho người sang làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, Dự thảo Luật đã giảm đáng kể nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.