Nhiều ẩn số với kinh tế năm 2023
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 |
Khó khăn bắt đầu lộ diện
TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá, tuy chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tốt. Cho đến hết tháng 10, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn sáng và hứa hẹn hoàn thành kế hoạch đặt ra cho cả năm. Tuy nhiên ông Kiên cũng lưu ý rằng tác động của kinh tế thế giới tới kinh tế trong nước bao giờ cũng có độ trễ, và khó khăn đã bắt đầu bộc lộ rõ hơn từ tháng 11 vừa qua.
Cụ thể, nếu như tháng 10/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) vẫn tăng 3% so với tháng trước, thì đến tháng 11 chỉ còn tăng 0,3%. Nguyên nhân chủ yếu là đơn hàng sụt giảm trong khi chi phí đầu vào vẫn ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Tương tự như vậy, hoạt động xuất khẩu cũng chững lại rõ rệt. Trong 11 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 13,4%, nhưng nếu tính riêng tháng 11 kim ngạch xuất khẩu đã giảm gần 4% so với tháng trước. Xuất khẩu giảm chủ yếu do cầu tiêu dùng của người dân tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bị giảm mạnh do kinh tế tăng trưởng chậm lại, lạm phát gia tăng. Cùng với tình hình sản xuất và xuất khẩu giảm tốc, trên thị trường đã xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp sa thải lao động, giãn việc, mặc dù theo thông lệ các năm trước, đây phải là thời điểm doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng để hoàn thành đơn hàng cuối năm.
Ảnh minh họa |
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; theo đó đặt mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; CPI khoảng 4,5%. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn của năm 2023 thì các chỉ tiêu này là khá cao. Đặc biệt đối với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, trong khi một số đối tác lớn đối diện sức ép lạm phát, suy giảm tăng trưởng và suy thoái kinh tế trong năm 2023, thì động lực để đạt tăng trưởng cao không thể chỉ trông chờ vào thị trường quốc tế.
TS. Nguyễn Đức Kiên khẳng định, động lực tăng trưởng năm 2023 chủ yếu phải dựa vào nội lực, cụ thể là đầu tư công và hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi theo ông Kiên, diễn biến kinh tế trong nước cho thấy thị trường nội địa vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng. Điều đó thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay. Hoặc đối với giải ngân vốn đầu tư công, kết thúc 11 tháng, ước tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt khoảng 53% kế hoạch. “Rõ ràng tiềm năng của thị trường nội địa còn chưa được khai thác hết, sẽ là cơ sở để tạo động lực lớn hơn trong năm 2023”, ông Kiên nhấn mạnh.
Giải pháp đã được xác định rõ
Cho tới thời điểm hiện tại, hầu hết chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định năm 2023 thách thức đối với kinh tế Việt Nam sẽ nhiều hơn thuận lợi. Tuy nhiên chúng ta có khả năng hoá giải các thách thức đó nếu khai thác hiệu quả động lực tăng trưởng ở chính thị trường nội địa. Nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện tốt, thì mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra là rất cao nhưng cũng nằm trong tầm tay.
TS. Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, cái được lớn nhất trong điều hành kinh tế năm 2022 chính là Việt Nam đã có kinh nghiệm trong đối phó với sự bất ổn. Đây là bài học quý giá cho năm 2023 và những năm tiếp theo. Ông Thắng cho rằng, trong năm 2023 các yếu tố bên ngoài là vô cùng khó đoán định, nhưng tới nay cũng đã có một số tín hiệu le lói. Đó là chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa của các nền kinh tế lớn bắt đầu phát huy tác dụng, khi tốc độ lạm phát có dấu hiệu chững lại và sẽ đi xuống trong thời gian tới, nhiều nước đã giảm dần việc tăng lãi suất điều hành.
Tuy nhiên chúng ta cũng cần chú ý đến yếu tố độ trễ để đánh giá về tác động phục hồi của kinh tế thế giới đối với kinh tế trong nước. Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright chia sẻ quan điểm, tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đối với kinh tế trong nước sẽ kéo dài ít nhất trong 6 tháng đầu năm. Vì vậy ông Thành dự báo đầu tư công sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Với quyết tâm và các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công mà Chính phủ đã thực hiện, thì công tác giải ngân trong năm tới sẽ được đẩy nhanh ngay từ đầu năm chứ không khởi động chậm chạp như các năm trước. Song ông Thành cũng lưu ý, tốc độ giải ngân nhanh cũng sẽ gây ra áp lực đối với lạm phát ngay từ đầu năm. Điều đó đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Ông Nguyễn Minh Tân - Vụ phó Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023 hơn 38% so với năm 2022. Bên cạnh đó, những vấn đề vướng mắc đã được nhận diện từ năm 2022 sẽ được giải quyết ngay từ đầu năm 2023, kể cả giao vốn từ đầu năm, hay tổ chức đấu thầu, phê duyệt dự án từ quý I để triển khai ngay trong quý II/2023. Những yếu tố đó sẽ có tác dụng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong năm 2023 nhanh hơn so với năm 2022.
Một ẩn số khác mà các chuyên gia lưu ý là hoạt động thu chi ngân sách nhà nước năm 2023. Ông Bùi Đặng Dũng -nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội đánh giá, dự toán thu ngân sách năm 2023 được Bộ Tài chính xây dựng là 1,62 triệu tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với dự toán 2022, là quá thận trọng. Ông Dũng nêu thực tế 15 năm nay qua theo dõi dự toán thu chi ngân sách quốc gia thì ngân sách nhà nước chỉ có tăng, chưa năm nào không hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó một số năm còn hoàn thành vượt chỉ tiêu ở mức cao. “Vậy tại sao chúng ta không xây dựng một dự toán có tính khả thi hơn? Vì dự toán thu thận trọng như thế này thì chi sẽ phải dè dặt và chúng ta không chủ động được công tác chi tiêu”, ông Dũng đặt vấn đề.
Trước tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước đan xen cả thuận lợi và khó khăn, diễn biến kinh tế trong năm 2023 đối diện nhiều ẩn số, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng cũng đang thực hiện khẩn trương. Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đang được các cơ quan của Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và ban hành; tiếp tục xử lý các vấn đề nổi lên như khắc phục triệt để tình trạng thiếu xăng dầu, thuốc, vật tư y tế, thúc đẩy tiêm chủng…; phát triển các thị trường, đặc biệt là thị trường vốn hoạt động an toàn, lành mạnh, bền vững… Đây sẽ là những lực đẩy mạnh mẽ đối với thị trường nội địa trong năm 2023.