Nhiều thách thức trên thị trường bánh trung thu
Xu hướng độc, lạ trong nguyên liệu bánh Trung Thu handmade | |
Thị trường bánh Trung Thu 2019: Giá nào cũng có |
Các DN trong nước thường xuyên cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm bánh Trung thu |
Cạnh tranh thương hiệu
Thị trường bánh trung thu năm nay đang bước vào thời kỳ cao điểm với sức mua tăng mạnh. Bên cạnh các quầy bán hàng bánh trung thu trên các tuyến phố thì hầu hết các loại bánh cũng được bán tại các siêu thị, cửa hàng bánh kẹo với đa dạng chủng loại.
Trên địa bàn Hà Nội, tại các tuyến phố như Giảng Võ, Thụy Khuê, Đội Cấn, Cầu Giấy… các quầy bán bánh trung thu của các thương hiệu quen thuộc như Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà được trang trí sinh động, đầy màu sắc với nhiều chủng loại bánh khác nhau, từ các sản phẩm bình dân đến các hộp bánh cao cấp.
Nhân viên bán hàng tại quầy Kinh Đô trên đường Cầu Giấy cho biết, năm nay khách hàng thường lựa chọn các loại sản phẩm có mẫu mã đẹp, giá từ trung bình trở lên. Lượng hàng bán ra thời điểm này đã bắt đầu tăng bởi chỉ còn hơn nửa tháng nữa là tới rằm Trung thu.
Trên thực tế, thị trường bánh trung thu trước đây được xem là sân chơi của các thương hiệu bánh quen thuộc như Kinh Đô, Bibica, Givral... nhưng những năm gần đây, thị phần ngày càng bị cạnh tranh gay gắt bởi rất nhiều thương hiệu khác, trong đó có cả các sản phẩm nhập ngoại. Chính bởi vậy, các DN trong nước đã thường xuyên cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Là một trong những thương hiệu nổi tiếng về bánh trung thu, để đáp ứng thị hiếu ngày càng phong phú của người tiêu dùng, Kinh Đô thường xuyên nâng cấp, thay đổi mẫu mã để làm mới mình và làm hài lòng khách hàng. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống thì trung thu năm 2019, đơn vị cũng tung ra nhiều sản phẩm hộp bánh cao cấp, sang trọng, rất phù hợp với nhu cầu làm quà tặng và biếu.
Luôn nằm trong top các thương hiệu được người tiêu dùng lựa chọn, Hữu Nghị cũng tung ra rất nhiều sản phẩm bánh trung thu đặc sắc, đặc biệt, nguyên liệu là các sản phẩm tự nhiên và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đại diện CTCP Thực phẩm Hữu Nghị cho biết, năm 2019 bên cạnh bánh nướng, bánh dẻo truyền thống đã quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt, Hữu Nghị tiếp tục cho ra mắt bộ sưu tập 10 hộp Thanh Nguyệt đặc biệt là Thịnh – Phúc – Phát – Khang – An... Hữu Nghị cũng có các khoảng giá phù hợp hướng tới đa dạng đối tượng khách hàng. Giá bánh năm nay dao động từ 40 nghìn – 100 nghìn đồng/chiếc, loại hộp đặc biệt có giá dao động từ 300 nghìn – 1,3 triệu đồng/hộp.
Đồng thời, công ty cũng có hệ thống phân phối rộng khắp các tỉnh thành, trong đó kênh phân phối truyền thống được phát triển tối đa với hàng chục ngàn điểm bán lẻ trên toàn quốc, hệ thống các siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi, quầy hàng tiêu chuẩn và các điểm cộng tác.
Ngoài ra, năm 2019, Hữu Nghị sẽ đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua các sàn thương mại điện tử uy tín. Mua sắm tiện lợi, tiết kiệm thời gian kèm dịch vụ giao hàng tận nơi sẽ rất phù hợp cho nhu cầu biếu tặng của đại bộ phận người tiêu dùng.
Áp lực hàng nhập lậu
Tuy nhiên trong bối cảnh đó, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện nhiều sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các sản phẩm nhập lậu được tuồn ra bày bán tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến các DN làm ăn chân chính và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ngay từ đầu tháng 7/2019, khi thị trường bánh trung thu bắt đầu khởi động đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội đã liên tiếp phát hiện, thu giữ hàng nghìn chiếc bánh trung thu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Đơn cử ngày 14/8, Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường và Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cũng tiến hành kiểm tra kho hàng của Nguyễn Hữu Cương tại số 26 ngách 64, ngõ 99, phố Đinh Công Hạ, Hoàng Mai và thu giữ 3.300 chiếc bánh trung thu, cùng hơn 300kg sữa bột không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 16/8, Đội 6 Phòng PC05 phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành 389 số 2 TP. Hà Nội kiểm tra điểm tập kết hàng hoá tại số 46, ngõ 93/47, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội do Phạm Ngọc Ánh làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ 4.440 bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Có thể thấy, nỗi lo về các loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường đang khiến cho các DN làm ăn chân chính bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, các DN có thương hiệu đều tự tin về các sản phẩm đang được người tiêu dùng tin tưởng.
Đại diện CTCP Thực phẩm Hữu Nghị khẳng định, trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn”, là một thương hiệu lớn, Hữu Nghị đặc biệt chú trọng đến vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến sản xuất, đóng gói đều được công ty kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, ISO 2200:2005, HACCP và các chứng chỉ FDA, Halal.
Theo đó, toàn bộ nguyên liệu đầu vào đều được kiểm duyệt một cách nghiêm ngặt, các thông tin về nguyên liệu, bán thành phẩm đều được cập nhật trong suốt quá trình chế biến. Sản phẩm làm ra được bảo quản trong bao bì đẹp với công nghệ khí sạch và gói chống ẩm, ngăn ngừa sự phát triển của vi sinh vật và oxy hóa chất béo, giúp sản phẩm luôn có chất lượng tốt nhất trong suốt hạn sử dụng. Đây là những yếu tố để các sản phẩm bánh trung thu Hữu Nghị luôn được người tiêu dùng tin tưởng.
Hiện trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện nhiều sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các sản phẩm nhập lậu được tuồn ra bày bán tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến các DN làm ăn chân chính và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngay từ đầu tháng 7/2019, khi thị trường bánh trung thu bắt đầu khởi động đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội đã liên tiếp phát hiện, thu giữ hàng nghìn chiếc bánh trung thu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. |