Những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo những tháng cuối năm
Theo số ước của liên Bộ, ước tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có FTA thế hệ mới, trong đó khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng năm 2023, đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Phân tích sâu hơn về diến biến giá và tăng trưởng sản lượng xuất khẩu, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết trong quý I/2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao, dao động khoảng 450 USD/tấn, có thời điểm vượt qua giá gạo Thái Lan cùng chủng loại. Bước sang quý II, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiếp tục tăng trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại, giá gạo tiếp tục theo đà tăng của giá gạo thế giới. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức 535 USD/tấn vào tháng 5 năm 2023.
Thị trường tiếp tục tăng khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (phi basmati) là yếu tố dẫn đến giá gạo xuất khẩu các nước tăng mạnh, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành. Tính đến ngày 1/8/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.
Tại nội địa, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7/2023 (Lệnh cấm có hiệu lực). Giá một số chủng loại ghi nhận ngày 27/7/2023 như: giá gạo IR50404 đạt 10.750 đồng/kg, tăng 5% so với ngày 20/7 (tương đương tăng 500 đồng/kg); giá gạo OM5451 đạt 11.000 đồng/kg, tăng 5% (tương đương tăng 550 đồng/kg); giá gạo Đài Thơm 8 đạt 11.300 đồng/kg, tăng 6% (tương đương tăng 650 đồng/kg)…
Cơ hội xuất khẩu từ sự thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu |
Cục Xuất nhập khẩu đã phân tích những yếu tố ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu gạo các tháng cuối năm. Cụ thể, theo báo cáo công bố ngày 14/7/2023 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng gạo thế giới năm 2023/2024 được dự báo đạt mức 520,8 triệu tấn, tăng 8 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng tiêu thụ trên toàn cầu năm 2023/2024 dự kiết đạt mức kỷ lục 523,9 triệu tấn, cao hơn 2,5 triệu tấn so với năm 2022, vượt sản lượng gạo dự kiến 3,1 triệu tấn. Thương mại toàn cầu năm 2024 dự kiến đạt 56,3 triệu tấn, tăng hơn 1% so với năm trước.
Trong khi đó, lượng gạo tồn kho năm 2023/2024 được USDA dự báo đạt 170,4 triệu tấn, thấp hơn 1,8% so với năm trước và là mức tồn cuối vụ thấp nhất kể từ niên vụ 2017/2018 do nhiều quốc gia tăng xuất khẩu đặc biệt tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…
Bên cạnh đó Cục xuất nhập khẩu cũng chỉ ra 6 yếu tố dự báo tác động lên hoạt động xuất khẩu gạo. Một là sự thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu do tác động từ Lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati (ngày 20/7/2023. Hiện nay, Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, tương đương khoảng 22,6 triệu tấn (nhiều hơn tổng xuất khẩu của Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ - 04 nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn tiếp theo). Trong đó, dòng gạo phi basmati chiếm khoảng 76% về lượng và 55% về trị giá. Như vậy, Lệnh cấm này sẽ khiến nguồn cung gạo toàn cầu thiếu hụt, ảnh hưởng mạnh nhất tới hơn 140 quốc gia đang nhập khẩu dòng gạo này từ Ấn Độ. Tiếp đó, ngày 28/7/2023, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ tiếp tục ban hành thêm thông báo số 21/2023 theo đó cấm xuất khẩu cám gạo trích ly, có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 30/11/2023 Lệnh này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phục vụ ngành chăn nuôi toàn cầu.
Hai là Nga tuyên bố sẽ không gia hạn thoả thuận mang tên “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen” vào 17/7/2023, Việc Nga rút khỏi thoả thuận buộc hầu hết các loại ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine từ giờ phải xuất khẩu qua biên giới đất liền và các cảng trên sông Danube, khiến chi phí vận chuyển ngũ cốc tăng mạnh. Việc chấm dứt thoả thuận này có khả năng gây áp lực tăng giá lương thực trên thế giới.
Ba là tác động từ việc Liên hợp quốc cắt giảm viện trợ lương thực với việc ngày 29/7/2023, Lãnh đạo Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết ít nhất 38/86 quốc gia nơi WFP hoạt động đã bị hoặc có kế hoạch sớm cắt giảm viện trợ lương thực, tiền mặt và các hỗ trợ khác do không có đủ tài trợ (thực tế chỉ có 5 tỉ USD/20 tỉ USD cần thiết). Việc cắt giảm viện trợ lương thực một phần do tình trang khủng hoảng an ninh lương thực tại khu vực thị trường châu Phi đã ở mức báo động đỏ, một mình Liên hiệp quốc không thể giải quyết vấn nạn ở khu vực châu Phi trong khi các nước sản xuất ngũ cốc lớn nhất toàn cầu lại liên tục đưa ra những lệnh cấm xuất khẩu lương thực.
Bốn là biến đổi khí hậu, thay đổi điều kiện gieo trồng. Theo FAO, tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp toàn cầu giảm 0,13 tỷ ha trong giai đoạn từ năm 2000-2019 do xu hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; nhiều khu vực đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp; Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết hiện tượng El Nino (thời tiết nắng nóng gay gắt) sẽ ảnh hưởng mạnh đến sản lượng lương thực trong năm 2023.
Năm là Tình trạng lạm phát cao vẫn đang tiếp diễn ở hầu hết các quốc gia và dự kiến sẽ còn kéo dài, có thể gây ảnh hưởng đến mức tiêu dùng hàng hóa, làm giảm cầu hàng hoá nhập khẩu. Bên cạnh đó, chi phí logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao so với thời điểm trước dịch Covid-19 do ảnh hưởng của việc tăng giá dầu thô.
Sáu là chuỗi phản ứng dây truyền từ các nước thông qua lệnh cấm xuất khẩu lương thực. Khi nguồn cung lớn nhất thế giới ban hành lệnh cấm xuất khẩu chủng loại gạo chiếm 80% tổng lượng xuất khẩu đã gây tác động mạnh đến thương mại gạo toàn cầu nói riêng và lương thực thực phẩm nói chung, ảnh hưởng đến 140 quốc gia. Do chuỗi tác động hậu Covid chưa có dấu hiệu hồi phục, xu hướng lạm phát vẫn gia tăng cộng thêm ảnh hưởng nguồn cung lương thực thế giới đã buộc một số quốc gia đưa ra giải pháp tức thì kiềm chế lạm phát. Sau Ấn Độ ban hành lệnh cấm ngày 20/7 thì đến ngày 28/7 UAE thông báo cấm xuất khẩu gạo (dù nước này nhập khẩu 90% tổng lượng lương thực), ngày 29/7 năm 2023 Nga thông báo cấm xuất khẩu gạo đến hết năm. Các nước đưa ra lệnh cấm đều với lý do bình ổn giá và kiềm chế lạm phát. Động thái này lo ngại khả năng một loạt nước sẽ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đặc biệt là các nước sản xuất lớn như Thái Lan, Pakistan, Trung Quốc, Hoa Kỳ… và các nước sản xuất ngũ cốc khác: ngô, đậu tương. Khủng hoảng lương thực sẽ trầm trọng trên toàn cầu đặc biệt tại các khu vực vốn đã bị ảnh hưởng do Covid như khu vưc Châu Phi.
Trước xu hướng chung của việc suy giảm nguồn cung và giá lương thực tăng cao, hầu hết các quốc gia đều đang xem xét kỹ các tác động từ bối cảnh thị trường toàn cầu để nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước và bình ổn giá cả lương thực nội địa.
Chẳng hạn tại Thái Lan, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết lệnh cấm của Ấn Độ cần được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ do có thể ảnh hưởng đến giá gạo nội địa và có thể khiến các nhà máy xay xát gạo và các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan trì hoãn các đơn đặt hàng gạo để đánh giá tác động.
Ở Ấn Độ, nhiều thương nhân nước này cho biết họ có thông tin về việc Ấn Độ đã xem xét về lệnh cấm và cho rằng lệnh sẽ được ban hành vào khoảng tháng 8 – 9/2023 nên vẫn tiến hành ký kết hợp đồng, nhận thư tín dụng (LC) để đảm bảo thanh toán như thường lệ. Tuy nhiên, lệnh cấm diễn ra quá đột ngột và chỉ cho phép hàng hóa đã vào cảng được chuyển đi, ngoài ra các hợp đồng dù có LC vẫn phải hủy bỏ. Vì vậy, tuy trước lệnh cấm, nước này có thể xuất khẩu 500 nghìn tấn gạo phi basmati/tháng thì trong tháng 7 năm 2023, chỉ 200 nghìn tấn hàng tại cảng được phép xuất khẩu.
Còn tại Campuchia, Bộ Nông Lâm Thủy sản Campuchia cho biết giá gạo của các giống IR và OM đang đạt mức cao nhất trong ba năm trở lại đây. Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) cho biết giá gạo IR hiện ở mức 1.047 riel/kg (6.000 đồng/kg), trong khi gạo OM có giá 1.029 riel/kg (5.900 đồng/kg). Loại gạo thơm sen kra'op (SKO) đắt tiền hơn đã có giá tương đối ổn định trong ba năm qua, trung bình từ 1.000 đến 1.260 riel/kg (7.233 đồng/kg).
Với các nhà nhập khẩu gạo, Chủ tịch Phòng Nông nghiệp và Lương thực Philippines (PCAFI) cho biết Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ làm tăng hoạt động đầu cơ và cạnh tranh, chuyển đơn hàng nhập khẩu các nước xuất khẩu gạo khác, đẩy giá lên cao, gây thêm áp lực lên giá gạo nội địa nước này.
Giám đốc quốc gia của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) cho biết các thương nhân hiện đang xem xét thông tin về nguồn cung và giá từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam. Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Philippines đã chấp nhận giá chào mới từ các doanh nghiệp Việt Nam để có hàng trong tháng 8 khi vụ Hè Thu thu hoạch.
Hay như Indonesia, nước này cũng phụ thuộc vào nhập khẩu để đảm bảo lượng gạo dự trữ trong nước. Vì vậy, việc thiếu hụt nguồn cung từ cả nội địa và nhập khẩu sẽ khiến giá gạo tăng cao. Sau khi hoàn thành triển khai đợt nhập khẩu 2 triệu tấn được thông báo vào tháng 3, dự kiến do tình hình lệnh cấm từ Ấn Độ, có khả năng Indonesia sẽ tiếp tục tiếp cận nguồn cung từ Việt Nam để bổ sung nhập khẩu gạo kiềm chế lạm phát và tồn kho.
Từ những yếu tố trên, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có những định hướng điều hành xuất khẩu gạo từ nay đến hết năm 2023.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Theo kế hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng từ đầu năm 2023, năm nay diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm nay đạt khoảng 1,7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn.
Đến thời điểm này, thông qua kiểm tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, việc sinh trưởng phát triển của cây lúa khá thuận lợi, nếu không có phát sinh vấn đề đột xuất như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ,... trên diện rộng, có thể nói năm 2023 chúng ta sẽ có một vụ mùa khá thắng lợi.
Đối với những lo ngại về ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đối với sản xuất trồng trọt nói chung và lúa gạo nói riêng, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn lại các niên vụ 2015-2016 và 2019-2020 khi hiện tượng El Nino xuất hiện, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để tự tin khẳng định rằng chúng ta có nhiều giải pháp về bố trí thời vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác cũng như các giải pháp về công trình như hệ thống thủy lợi để hạn chế mức độ ảnh hưởng của El Nino ở mức thấp nhất so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Về tiến độ, tính đến ngày 1/8/2023, cả nước đã thu hoạch 24,2 triệu tấn thóc, gồm vụ đông xuân khoảng 20 triệu tấn, vụ hè thu khoảng 4,2 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 18-19 triệu tấn thóc chờ thu hoạch.
Ông Nguyễn Như Cường khẳng định: "Có thể có rủi ro, nhưng về cơ bản, với tình hình hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu nội địa và xuất khẩu".