Chờ sóng đầu tư từ EU sang Việt Nam
Tận dụng EVFTA: Phát triển logistics đẩy mạnh xuất khẩu sang EU | |
Tân Đại sứ EU tại Việt Nam: Môi trường và kinh tế số là những ưu tiên hợp tác |
Ảnh minh họa |
Ông Minh cho biết thêm, Việt Nam mới tập trung đánh giá tổng số dự án dịch chuyển từ Trung Quốc sang mà chưa có sự phân loại về nguồn gốc NĐT. Trong khi đó, cộng đồng châu Âu tại Trung Quốc cũng chưa có nhiều sự dịch chuyển đáng kể về chuỗi cung ứng ra khỏi nước này. Vì vậy phải đánh giá cụ thể xem chúng ta sẽ được hưởng lợi như thế nào để kịp thời có chính sách đón đầu.
Khảo sát của Eurocham cũng cho thấy, sự dịch chuyển của DN châu Âu sang Việt Nam không chỉ nhằm hưởng ưu đãi thuế, mà còn là vì các NĐT nước này nhìn nhận vị trí chiến lược của Việt Nam ở châu Á, từ đó chuyển dịch chuỗi sản xuất sang châu Á, thâm nhập thị trường châu Á qua Việt Nam.
Vì vậy có thể nói, khi EVFTA đi vào thực thi, Việt Nam sẽ được hưởng lợi lâu dài. Và khi có chuyển dịch chuỗi sang Việt Nam với sự dẫn dắt của các DN lớn từ EU, DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để xâm nhập chuỗi của họ. “Như vậy Chính phủ phải tạo điều kiện về môi trường kinh doanh để các DN EU dịch chuyển sang. Mấy năm gần đây cải cách hành chính của Việt Nam tiến triển tốt và hi vọng sẽ được tiếp tục”, ông Minh nhận định.
Vị này cũng khẳng định, DN Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tận dụng được các công nghệ từ EU chuyển sang. Bởi hiện nay EU có quỹ trị giá 3 tỷ Euro cung cấp cho các DNNVV của khu vực làm công tác nghiên cứu và phát triển. Vì vậy sau khi các DN này nghiên cứu và hoàn thiện được công nghệ, chắc chắn EU sẽ tính cách để chuyển giao công nghệ đó sang các quốc gia khác. Đó là cơ hội cho DN nhưng làm thế nào hấp thụ được thì đó là do các yếu tố nội tại của chúng ta.
Hiện nay, một vấn đề mà các DN EU cân nhắc khi đầu tư vào Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa tốt. Các DN EU khi hoạt động tại Việt Nam đặt ra yêu cầu kinh nghiệm làm việc, kỹ năng, ngoại ngữ... thì lao động Việt Nam cơ bản chưa đáp ứng được.
Eurocham lưu ý, từ nhiều năm trước EU đưa ra hiệp định này là nhắm tới mục tiêu thương mại vì cộng đồng, nghĩa là EU dùng các giao dịch thương mại để lan toả các tiêu chuẩn, giá trị châu Âu ra toàn cầu, đặc biệt là đối tác thương mại như Việt Nam. Các giá trị đó bao gồm quyền người lao động và quan trọng nhất là các giá trị về phát triển bền vững. Đó là lý do tại sao trong FTA này có các cam kết cụ thể có liên quan mà Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ. Như vậy FTA này không đơn thuần là cắt giảm thuế quan, mà sẽ là FTA mà qua các giao dịch thương mại để các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể nâng tầm lên tầm như EU.
Vì vậy, ông Minh lưu ý rằng khi đàm phán hay giao thương với các DN EU, giá cả đôi khi không phải yếu tố quyết định. Với người mua EU thì đó chỉ là một phần. “Nếu anh chị nào làm nông nghiệp và từng cung cấp sản phẩm thì biết đôi khi họ chấp nhận trả giá gấp đôi với điều kiện DN Việt Nam tuân thủ tuyệt đối, chấp nhận theo các tiêu chuẩn hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… Đó là những yếu tố mà DN EU ưu tiên hàng đầu”, ông Minh khuyến nghị.
Quá trình từ ký kết đến thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) còn phải trải qua chặng đường khá dài khi phải chờ Nghị viện Châu Âu (EP) và Nghị viện của 28 nước thành viên bỏ phiếu thông qua, đồng thời phải được Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, ngay từ lúc này cần thảo luận về các vấn đề phải rà soát và hoàn thiện để có thể tận dụng cơ hội từ EVFTA ngay khi hiệp định này có hiệu lực.
Bên cạnh những cơ hội, hiệp định này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ bởi quy mô và năng lực của DN Việt Nam còn khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá nhỏ. Bên cạnh đó, năng lực và chất lượng lao động Việt Nam còn yếu.
Đứng từ góc độ cộng đồng DN, ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV cho rằng, thách thức lớn nhất hiện tại của DN Việt là khả năng hợp tác với nhau để khai thác tốt thị trường. Để làm điều đó, ông Nam cho rằng trước hết các DN phải tôn trọng và cam kết thương hiệu, hàng hoá giữa các DN với nhau và với bạn hàng. Về chính sách nhà nước, ông kiến nghị nhà nước tập trung vào tài chính ở khu vực đổi mới sáng tạo cũng như các DN khởi nghiệp; đồng thời dồn nguồn lực vào việc đào tạo lao động…
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nhanh việc thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho DNNVV.