Phân khúc nhà ở giá thấp hưởng nhiều ưu đãi
Doanh nghiệp không mặn mà phát triển nhà ở xã hội | |
Nhà ở xã hội cần thêm “vốn mồi” | |
Tìm hiểu xu hướng lựa chọn nhà ở của người trẻ hiện đại |
Thị trường bất động sản (BĐS) bị tác động kép do phải đương đầu với nhiều thách thức trong 2 năm qua, dịch Covid-19 làm đảo lộn các hoạt động của doanh nghiệp BĐS, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng. Hoạt động của doanh nghiệp BĐS ngưng trệ không chỉ khiến dòng tiền bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay, phát sinh nợ xấu. Mà quan trọng hơn, Covid-19 còn làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, tác động gián tiếp đến số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tăng.
Thúc đẩy nhà ở xã hội - cơ hội phục hồi nhanh thị trường BĐS |
Tuy nhiên, về tổng thể đại dịch Covid-19 chưa ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS mà mới tác động đến một số yếu tố riêng lẻ của thị trường cũng như hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tiềm lực yếu về tài chính.
Các chủ đầu tư lớn có tiềm lực tài chính vẫn triển khai các dự án, trong đó có 56 dự án với hơn 20 nghìn căn hộ đang triển khai; 55 dự án với 18 nghìn căn đã hoàn thành. Nguồn cung nhà ở trung và cao cấp vẫn tăng do dự án hoàn thành tăng. So với năm 2018, nguồn cung giảm do dự án tạm dừng đình hoãn từ trước, thủ tục pháp lý hoặc thiếu vốn.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, về tiêu thụ sản phẩm, tính riêng với nhà ở thương mại, trong 6 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi 80% người dân có nhu cầu nhà ở giá thấp và trung bình thì số lượng nhà ở có giá dưới 25 triệu đồng/m2 ngày càng khan hiếm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Trước những khó khăn của thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế chính sách kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo đó, Chính phủ có Nghị quyết 41 cấp thêm vốn cho phát triển nhà ở xã hội… Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp các địa phương rà soát các danh mục nhà ở xã hội trên cả nước, nhà ở công nhân các khu công nghiệp để ngân hàng cho vay trong năm 2020, đồng thời nghiên cứu sửa đổi Nghị định 100…
Với giải pháp lâu dài, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2013 nhằm tạo thuận lợi trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, mở rộng hình thức cho vay vốn tại ngân hàng nước ngoài để đầu tư các dự án nhà ở thương mại giá thấp...
Đáng chú ý, hàng loạt ưu đãi lớn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở thương mại giá thấp có diện tích dưới 70m2 với mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 vừa được Bộ Xây dựng thông tin chính thức mới đây. Những ưu đãi này được quy định chính thức trong Dự thảo Nghị quyết Xây dựng nhà ở thương mại giá thấp sẽ trình Chính phủ trong quý III năm nay không chỉ thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội để người nghèo sớm có chỗ ở, mà đây được coi như là giải pháp căn cơ thúc đẩy thị trường BĐS phát triển thời gian tới, Thứ trưởng cho biết thêm.
Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng cho biết, dự thảo Nghị quyết được nghiên cứu, xây dựng với nhiều cơ chế ưu đãi cho phát triển nhà ở thương mại giá thấp, được thiết kế theo tiêu chuẩn căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2 sàn, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2. Như vậy giá một căn hộ tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn, đã bao gồm cả thuế VAT.
So với nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại giá thấp có các quy định cởi mở hơn, như không quy định về lợi nhuận, lãi định mức, về giá như nhà ở xã hội, miễn sao phải đảm bảo chất lượng, theo quy chuẩn, chất lượng về xây dựng.
Nhưng với nhà ở thương mại giá thấp, nhóm cơ chế chính sách ưu đãi sẽ tập trung giúp hạ giá thành dự án bằng nhiều giải pháp, chẳng hạn giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp, bố trí 500 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cấp cho 4 ngân hàng thương mại để cấp bù lãi suất cho vay. Chủ đầu tư được phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ xem xét để cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại giá thấp này được vay vốn với lãi suất ưu đãi hơn, tất nhiên không phải là ưu đãi như cho vay nhà ở xã hội, khoảng 7-8%. Các dự án nhà ở thương mại giá thấp được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở thương mại giá rẻ do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Ngoài ra, các dự án này còn được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công ty tư vấn, thi công xây lắp nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, Thủ tướng cũng sẽ ban hành quyết định để cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết giống như đã triển khai chính sách xây dựng nhà ở theo Nghị quyết 18 năm 2009 của Chính phủ về một số cơ chế nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp.