Phát triển đô thị thông minh để giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội
Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng tổ chức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự Diễn đàn và trực tiếp chủ trì phiên toàn thể.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà quản lý đã cùng khẳng định vai trò và sự phát triển nhanh chóng của các đô thị tại Việt Nam và vai trò của đô thị thông minh trong tương lai.
Hệ thống đô thị đã tạo các cực tăng trưởng trong khu vực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế.
Nhưng, hệ thống đô thị của Việt Nam phát triển còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo khả năng liên kết trong từng đô thị, giữa các đô thị và giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn; chênh lệch phát triển và thu nhập giữa các vùng chậm được thu hẹp; nhiều vấn đề xã hội, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông chưa được giải quyết…
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế nêu trên, một trong những giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, phát triển đô thị trong thời gian tới trên cơ sở tận dụng tốt nhất những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Diễn đàn đã khẳng định: Phát triển đô thị thông minh bền vững sẽ là hướng đi tất yếu, là nhu cầu cấp thiết trong quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị Việt Nam.
Theo đó, Đề án phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng trọng điểm; đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh.
Quang cảnh Diễn đàn |
Vậy, xây dựng đô thị thông minh bắt đầu từ đâu và làm những việc gì?
Các ý kiến trao đổi tại Diễn đàn cùng cho rằng để thành công trong việc này cầnbắt đầu từ tư duy, từ cách nghĩ và đi đến cách làm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời gian qua có nhiều việc đã và đang làm nhưng cũng gặp vô vàn khó khăn.
Các sáng kiến, kinh nghiệm và hợp tác giữa các đô thị của Việt Nam với mạng lưới đô thị trong khu vực ASEAN đã được chia sẻ tại 5 Hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ của Diễn đàn.
Hội thảo chuyên đề 1: “Quy hoạch và quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị”.
Hội thảo chuyên đề 2: “Phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh”.
Hội thảo chuyên đề 3: “Phát triển các dịch vụ thông minh tại các đô thị trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia”.
Hội thảo chuyên đề 4: “Năng lượng thông minh trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị”.
Hội thảo chuyên đề 5: “Giao thông thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị”.
Với chuyên đề 3, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương; và ông Dương Hải Hưng, Đại diện Ban Thư ký Quốc gia ASEAN đã đồng chủ trì hội thảo này.
Hội thảo đã tập trung thảo luận về các vấn đề: Phát triển nền tảng dùng chung cho phát triển đô thị thông minh và chính phủ điện tử; Xây dựng kiến trúc dữ liệu và hệ thống dữ liệu liên thông; Tổ chức thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu cho thành phố; Chiến lược phát triển mạng wifi cho đô thị thông minh; Trung tâm điều hành tập trung đô thị thông minh; Các ứng dụng và giải pháp công nghệ quản lý hạ tầng đô thị thông minh.
Các hội thảo cũng rút ra kết luận, để xây dựng đô thị thông minh cần có quyết tâm chính trị, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành các lĩnh vực và các cơ quan đi kèm với các chính sách và giải pháp đồng bộ. Đồng thời, quy hoạch nền tảng số và sự kết nối là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
Diễn đàn kiến nghị phải đồng bộ phát triển kinh tế số gắn với đô thị thông minh và chính phủ điện tử; hoàn thiện đồng bộ cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu giữa các ngành; có giải pháp bảo đảm an toàn dữ liệu.
Đồng thời kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm xây dựng luật giao dịch điện tử thay thế cho luật ban hành năm 2015 và sớm sửa đổi Nghị định 101/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện và phát triển các dịch vụ thông minh…
Trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam chọn lọc những kinh nghiệm phù hợp với thực tế phát triển và có bản sắc riêng. Trong đó, quy hoạch, xây dựng đô thị thông minh và nền tảng số là những trụ cột chính của phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
Quy hoạch là nền tảng để tiến hành các giải pháp thông minh, xây dựng tầm nhìn quy hoạch theo hướng “thông minh hơn” là sự phát triển, là điểm mới trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh.
Diễn đàn là sự kiện gắn sơ kết 1 năm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đô thị thông minh tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với các hoạt động trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.