Phát triển khu công nghiệp cần lưu tâm đến hạ tầng xã hội
2019 - năm của nhiều kỷ lục với bất động sản công nghiệp | |
Nhà đầu tư nước ngoài 'ùn ùn' đổ vào Việt Nam: Bất động sản công nghiệp hưởng lợi |
Khánh thành Nhà ở Công nhân tại KCN Yên Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Lễ khởi công Dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Bá Thiện phân khu I và Dự án khu nhà ở công nhân vừa diễn ra tại xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Phân khu I, có diện tích 247 ha được giao cho Công ty Cổ phần và Phát triển kinh doanh nhà (HDTC) làm chủ đầu tư theo hướng xây dựng KCN xanh, hiện đại, đồng bộ, với tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, thời gian xây dựng 12 tháng. Khi hoàn thành, dự án sẽ thu hút khoảng 30 đến 35 nhà đầu tư vào thuê đất, tổng vốn đăng ký khoảng 1 tỷ USD, tạo việc làm cho 15 nghìn lao động.
Dự án khu nhà ở công nhân có quy mô 34,5ha, tổng vốn đầu tư 4.323 tỷ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vĩnh Yên làm chủ đầu tư với tổng số 5.115 căn hộ cho công nhân, chuyên gia, bao gồm một trường mầm non 3 tầng quy mô 500 học sinh, một trường tiểu học 3 tầng quy mô 650 học sinh, đáp ứng chỗ ở cho gần 20.000 công nhân làm việc trong các KCN: Bá Thiện, Thăng Long Vĩnh Phúc, Bình Xuyên II, Bá Thiện II, Sơn Lôi...
Trước đó, Viglacera cũng đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng KCN Yên Phong II-C, Lễ khánh thành nhà ở công nhân tại KCN Yên Phong. Được biết, KCN Yên Phong II-C có quy mô 221 ha có vị trí địa lý thuận lợi: gần các đầu mối giao thông quan trọng như Quốc lộ 18, Quốc lộ 1A, 1B mới, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên rất thuận tiện đi sân bay Quốc tế Nội Bài và đi cảng biển Hải Phòng, cảng biển Cái Lân - Quảng Ninh.
KCN Yên Phong II-C sau xây dựng sẽ là nơi tập trung thu hút đầu tư đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp không gây ô nhiễm. Sự kiện khởi công xây dựng 2 KCN ngay sau Tết Nguyên đán không chỉ thể hiện quyết tâm thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà, thu hút đầu tư gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và chăm lo đời sống người dân. Mà quan trọng hơn, là cách thể hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển an sinh xã hội với địa phương, nâng cao chất lượng sống cho người lao động, tạo sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư vào KCN, khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của chính doanh nghiệp thời gian qua.
Vì vậy, các doanh nghiệp đang tập trung mọi nguồn lực để giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo chất lượng, tiến độ, đồng bộ, tiện nghi, hiện đại, giải quyết tốt môi trường, sớm đưa KCN vào hoạt động, sẵn sàng mặt bằng sạch đón các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến đầu tư tại KCN.
Theo phân tích của Savills, tại Hà Nội, rất nhiều khu công nghiệp đã đạt công suất 100%, diện tích còn trống tập trung nhiều ở các địa bàn mới, địa bàn mới nổi. Những khu lân cận Hà Nội còn trống có thể kể đến như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp vẫn còn. Nhưng liệu những KCN này có đáp ứng đủ nhu cầu về chất lượng lao động, số lượng lao động, hay chính sách thu hút đã đủ hấp dẫn thuận lợi với các nhà đầu tư…
Bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu – Tư vấn, Savills Hà Nội, nhấn mạnh, trong khi quỹ đất ngày càng khan hiếm và giá đất tăng cao, thì nguồn vốn trực tiếp từ nước ngoài vào các ngành chế biến và chế tạo vẫn gia tăng tích cực, phần vì chi phí sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục tăng, càng đẩy nhanh quá trình dịch chuyển nhà máy sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cũng thúc đẩy nhiều chủ đầu tư KCN hiện hữu có xu hướng xây sẵn nhà xưởng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách thuê.
Điều này đòi hỏi chủ đầu tư không chỉ có tiềm lực về vốn mà cần có uy tín, năng lực cũng như kinh nghiệm trong phát triển KCN, để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Nên cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tham gia vào phát triển thị trường này có thể nói là rất hẹp theo góc độ đó.
Song song với đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hai đơn vị này còn đồng thời triển khai xây dựng cả khu nhà ở dành cho công nhân chuyên gia, đáng chú ý hơn, không đơn thuần là hình thành các đơn vị ở mà nằm trong quần thể đa chức năng gồm: trường mầm non, trường tiểu học, nhà văn hóa, trạm y tế, công viên cây xanh, khu tập thể dục thể thao...
Khi đưa vào sử dụng góp phần vừa giải quyết vấn đề chỗ ở cho công nhân, vừa gián tiếp hỗ trợ chi phí và tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các doanh nghiệp đang cần sử dụng nhiều lao động trong sản xuất tại KCN. Ngoài ra còn rút ngắn thời gian di chuyển cũng như gián tiếp giảm lưu lượng giao thông trên đường, góp phần giảm ách tắc giao thông vào giờ cao điểm là vấn đề xã hội đang vô cùng bức xúc hiện nay.
Nên bên cạnh tiếp tục thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là các yêu cầu bảo đảm để người dân có cuộc sống hạnh phúc hơn, cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến người dân trong diện bồi thường giải phóng mặt bằng giao đất cho nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm đến người lao động, công nhân làm việc ở các khu công nghiệp - cội nguồn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Thiết nghĩ, nếu mọi khu công nghiệp, khu đô thị đều tuân thủ đúng quy hoạch thì sẽ không có sự sang nhượng, biến tướng để chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp. Vấn đề này đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Để khắc phục, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Xây dựng trong xây dựng và trình Quốc hội Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm hoàn thiện thể chế, tiến tới phát triển đô thị, KCN, khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đưa ra chính sách thu hút đầu tư các công trình xã hội như các công trình giao thông, giáo dục, y tế, công viên cây xanh; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong việc quản lý thực hiện quy hoạch. Các địa phương cần lên kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm cũng như kế hoạch thực hiện quy hoạch. Cần tăng cường công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan dân cử, người dân trong việc lập và thực hiện quy hoạch.
Dù luật pháp đã đưa ra quy định về xử phạt hành chính với các chủ đầu tư không tuân theo kế hoạch, chậm tiến độ như: Phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, dường như mức xử phạt trên còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên tình trạng không tuân theo kế hoạch, chậm tiến độ vẫn diễn ra tràn lan, ảnh hưởng đến tình trạng mất cân bằng giữa nguồn cung nhà ở sẵn có với việc đáp ứng nhu cầu thực tế. Đã đến lúc cơ quan quản lý cần bổ sung những hình thức xử phạt mới để tăng sức răn đe, giải quyết triệt để.