Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa
Đẩy mạnh chăn nuôi sinh học | |
Nuôi lợn an toàn sinh học: Giải pháp tái đàn hiệu quả | |
Các ngân hàng đã cho vay hỗ trợ người chăn nuôi lợn 357 tỷ đồng |
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chăn nuôi hiện đang là ngành sản xuất hàng hóa lớn với giá trị sản xuất luôn được duy trì ở mức cao, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ) có xu hướng tăng, góp phần quan trọng trong duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp. Trong giai đoạn 2008 - 2018, sản lượng thịt các loại tăng trên 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ gần 5,0 tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần (từ 262,2 nghìn tấn lên 936,7 nghìn tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn).
Ngành chăn nuôi thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới |
Hiện nay, chăn nuôi đang có sự chuyển dịch tích cực từ quy mô nông hộ sang hình thức trang trại công nghiệp (nhỏ, vừa và lớn), điều này đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa ngành chăn nuôi Việt Nam. Năm 2018, cả nước chỉ còn khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn và khoảng 4,5 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, trong khi số lượng trang trại tăng lên là 19.639, chăn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng.
Ngành chăn nuôi thu hút khối lượng lớn nguồn lực của xã hội, nhất là đầu tư nước ngoài. Hiện nay, tại Việt Nam đã có mặt hầu hết các hãng thức ăn chăn nuôi nổi tiếng của thế giới như CP, Cargil, Deuheus, Guyomuch, CJ…, cùng nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như Massan, Hòa Phát, PAN… Lĩnh vực con giống và thuốc thú y cũng đang thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới vào Việt Nam. “Có thể nói trong nông nghiệp hiện nay, chăn nuôi là lĩnh vực thu hút đầu tư xã hội lớn nhất, mà phần lớn đều do tư nhân đầu tư, nhất là lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi với trên 99% vốn đầu tư là của tư nhân”, ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ông Dương, năng suất và chi phí sản xuất chăn nuôi đang được cải thiện đáng kể. Nếu xét tổng thể thì năng suất và chi phí chăn nuôi nước ta đang thuộc nhóm trung bình, nhưng nếu tính ở khu vực chăn nuôi trang trại, công nghiệp thì năng suất và chi phí chăn nuôi của Việt Nam ngang bằng các nước phát triển trong khu vực.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi thời gian qua cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định. Giai đoạn 2008 - 2018, ngành đã tăng trưởng quá nhanh trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa thực sự đầy đủ và thống nhất để đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, hiện đại và bền vững. Ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ, mục tiêu và định hướng phát triển chăn nuôi trong Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020 chưa đánh giá hết được vai trò quan trọng của yếu tố thị trường đối với sự phát triển của ngành hàng thịt lợn và yếu tố không gian dành cho chăn thả với chăn nuôi trâu, bò thịt.
Theo Cục Chăn nuôi, định hướng cơ cấu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi còn lệ thuộc nhiều vào số lượng đàn vật nuôi (đầu con) mà chưa tính hết được các yếu tố tăng trưởng chất lượng, như năng suất, cơ cấu sản phẩm phù hợp với sự phát triển của thị trường, thói quen tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi. Cùng với đó, việc tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến với kết nối thị trường đề cập trong chiến lược chưa rõ, thiếu giải pháp chính sách thực hiện hiệu quả, nhất là với khâu kết nối thị trường đang còn rất yếu cả trong nước và xuất khẩu.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2030, ngành chăn nuôi cần có ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm đường giao thông, điện, nguồn nước và xử lý môi trường cho các cơ sở sản xuất giống, giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp sản phẩm chăn nuôi nằm trong khu vực đã được quy hoạch. Đồng thời, ngành chăn nuôi cần phát triển theo hướng hiện đại - công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại và chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ. Sản phẩm chăn nuôi bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, chi phí sản xuất thấp có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, kiểm soát tốt và bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chăn nuôi, nhất là vấn đề ô nhiễm vi sinh vật, lạm dụng hoặc sử dụng bất hợp pháp thuốc thú y và hóa chất trong chăn nuôi; Xây dựng hệ thống vùng chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, kiểm soát tốt môi trường (bảo đảm vệ sinh môi trường cho vật nuôi, con người).