Phát triển nhà ở cho công nhân: Giải quyết nhu cầu bức thiết của người lao động
Trên địa bàn TP. Hà Nội, số lượng công nhân tại các DN, khu công nghiệp (KCN) rất lớn, kéo theo nhu cầu về nhà ở cũng cao. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ 3 KCN có xây dựng nhà ở cho công nhân. Đại diện các KCN và khu chế xuất (KCX) Hà Nội cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố có 10 KCN đang hoạt động với diện tích 1.347,42 ha, trong đó có 9 KCN với diện tích 1.270,5 ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Tính đến cuối tháng 9/2022, các KCN của Hà Nội đã thu hút trên 165 nghìn lao động (trong đó, lao động nước ngoài là 1.100 người). Trong số đó chỉ mới có 3 KCN là Thạch Thất (Quốc Oai), Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng được một phần nhu cầu của công nhân. Các KCN còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân. Phần lớn công nhân, lao động nhập cư đang phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.
Việc giải quyết chỗ ở cho công nhân đang được TP. Hà Nội quan tâm và tìm giải pháp tháo gỡ |
Cũng chính bởi vậy, hiện đang tồn tại một thực tế là không ít công nhân đều đang phải đi thuê nhà ở. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn (quê Thái Bình) đang làm việc tại KCN Đông Anh chia sẻ, họ từ quê lên làm việc tại KCN được hơn 4 năm nay và đang phải thuê phòng trọ tại nhà dân gần KCN. Với mức thu nhập của cả 2 vợ chồng là hơn 15 triệu đồng/tháng, cùng nuôi một cháu nhỏ, nên phải chắt chiu thuê phòng nhỏ trong dãy trọ đông đúc với diện tích chỉ hơn 10 mét vuông.
Theo anh Tuấn, với mức thu nhập như hiện tại thì gia đình anh không thể mua nhà, nên anh mong muốn KCN xây dựng khu nhà ở cho công nhân để các lao động ngoại tỉnh có chỗ ở lâu dài, ổn định.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, với tốc độ phát triển kinh tế của Thủ đô hiện nay, nhu cầu về nhà ở của lao động rất lớn và ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc xây nhà ở cho người lao động tại các KCN, KCX đang gặp rất nhiều khó khăn từ chuyện quỹ đất đến kêu gọi đầu tư...
Hiện nay, thành phố cũng đã triển khai một số dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN, dự án nhà ở xã hội cho lao động thu nhập thấp, nhưng vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ khi mà mới có 3 KCN xây dựng nhà đáp ứng một phần chỗ ở cho công nhân. Hiện nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, đối tượng chính sách đang thiếu hụt khoảng 3,4 triệu m2; nhà ở cho công nhân thiếu 567.000m2; nhà ở tái định cư thiếu 828.000m2... so với mục tiêu đã đặt ra. Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, UBND TP. Hà Nội tập trung chỉ đạo hoàn thành 19 dự án với khoảng 1,2 triệu m2 sàn trong giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai 38 dự án còn lại, dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025.
Có thể thấy, vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động đang được Nhà nước và TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực của các địa phương, các DN, gần 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội đã hoàn thành, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện điều kiện nhà ở. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động. Nhìn chung, nhà ở vẫn là nhu cầu cấp thiết của công nhân, người lao động. Cơ chế chính sách và quá trình thực thi trong lĩnh vực này còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng này.
Trên địa bàn Hà Nội, các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân đã được thành phố tích cực triển khai. Tháng 7/2022, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, trong đó nêu rõ, nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của KCN, nhằm bảo đảm chỗ ở ổn định cho công nhân; yêu cầu phát triển nhà ở công nhân cần gắn liền với trách nhiệm của người sử dụng lao động, của ban quản lý KCN, KCX, chính quyền địa phương và các tổ chức công đoàn.
Chương trình cũng đề xuất được phép chủ động bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; Sử dụng nguồn tiền thu từ quỹ đất 20 - 25% ở dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để hỗ trợ, cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội; Không phát triển nhà ở xã hội là nhà ở liền kề thấp tầng.
Cùng với đó, sẽ triển khai mô hình xây dựng một số khu nhà ở xã hội tập trung, quy mô diện tích đất lớn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Cùng với đó là đa dạng hóa nguồn lực đầu tư nhà ở phục vụ công nhân, ưu tiên bố trí quỹ đất, kinh phí để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Văn Tuấn cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội đến năm 2030 trên địa bàn toàn thành phố là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng vào khoảng 12.500 tỷ đồng. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới 1 triệu 250 nghìn m2 sàn nhà ở xã hội; xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại; rà soát, điều chỉnh quy hoạch để bố trí, quy hoạch bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân, người lao động tại các KCN, phấn đấu đến năm 2030, tất cả KCN, KCX của thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ người lao động.