Phát triển nhà ở xã hội, kinh nghiệm từ Bình Định
Bình Định hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội Nhu cầu nhà ở xung đột với khả năng chi trả của người dân |
Cơ chế thuận lợi cho chủ đầu tư
Để tạo thuận lợi cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 39/2023/QÐ-UBND chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Theo quyết định này, tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội, trừ hệ thống kỹ thuật bên trong tòa nhà. Đồng thời, thực hiện giải phóng mặt bằng và giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Theo đại diện một số chủ đầu tư dự án xã hội trên địa bàn, với cơ chế hỗ trợ này, nhà đầu tư đỡ rất nhiều chi phí. Trước đây, không có cơ chế này thì nhà đầu tư chi trước tiền giải phóng mặt bằng và được hạch toán vào giá bán dự án nhà ở xã hội. Còn bây giờ, nhà nước hỗ trợ chi phí này thì giá bán cạnh tranh, có lợi cho người mua nhà. Ông Phạm Nam Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Phú Mỹ - Quy Nhơn cho rằng, so với nhiều tỉnh thành khác, Bình Định là địa phương có sự chia sẻ, hỗ trợ tốt cho các dự án đầu tư nhà ở xã hội.
Bình Định xác định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương. |
Cũng theo Quyết định số 39/2023/QÐ-UBND, nhà đầu tư không được tính các khoản hỗ trợ của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp dự án có phân kỳ giai đoạn đầu tư thì được xem xét hỗ trợ theo phân kỳ giai đoạn của dự án. Cơ chế hỗ trợ dự án nhà ở xã hội góp phần tháo gỡ phần nào khó khăn cho chủ đầu tư về chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật bên trong dự án và công tác giải phóng mặt bằng, góp phần giảm giá bán căn hộ nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, một ý nghĩa tích cực nữa của cơ chế hỗ trợ này là có sự tham gia giám sát của nhà nước trong kiểm soát chất lượng dự án.
Cùng đồng hành với các đơn vị chủ đầu tư, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Trong đó, tập trung thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan như, rút ngắn thời gian giao đất, xác định giá đất, thẩm định quy hoạch, thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt PCCC, thẩm định hồ sơ thiết kế, cấp giấy phép xây dựng…
Gỡ vướng cho từng dự án
Cùng với đó, Bình Định cũng tích cực chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp cận chương trình vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho việc phát triển nhà ở xã hội nhằm xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân... Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường rà soát đề xuất thu hồi dự án chậm tiến độ mà không có lý do chính đáng, chủ đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện.
Trong khi đó, đối với những dự án gặp khó khăn vướng mắc, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là các dự án lớn để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Từ đó, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, chấm dứt việc đùn đẩy đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ giải quyết các thủ tục hành chính…
Bình Định xác định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn liền với quá trình phát triển đô thị nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cho các tầng lớp dân cư. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai 19 dự án nhà ở xã hội với khoảng 11.166 căn, tổng diện tích sàn sử dụng 694.808 m2; trong số đó bàn giao đưa vào sử dụng 8 dự án (6 dự án và một phần của 2 dự án) với 2.806 căn/nhà; đang thi công 5 dự án (3 dự án và một phần của 2 dự án) khoảng 4.208 căn/nhà. Các chủ đầu tư đang lập thủ tục đầu tư xây dựng 8 dự án (khoảng 4.152 căn/nhà), diện tích sàn sử dụng khoảng 282.206 m2…
Những kinh nghiệm đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội của Bình Định cần được nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước… |
Bên cạnh số lượng, thì chất lượng các công trình dự án xã hội cũng được địa phương quan tâm thực hiện. Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định lưu ý các cơ quan chức năng ở địa phương, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội tại Bình Định phải được kiểm soát, đảm bảo thực hiện theo đúng định hướng, cân bằng cung - cầu thị trường. Theo ông Tuấn, dự án nhà ở xã hội phải được đầu tư xây dựng đẹp, đảm bảo chất lượng, bền vững, lâu dài. Giá bán, cho thuê phải phù hợp khả năng tiếp cận của các đối tượng theo quy định.
Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành khoảng 12.900 căn hộ, sớm hơn 5 năm theo kế hoạch đã được Thủ tướng giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Trong một lần về thăm và làm việc tại Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương và ghi nhận một số kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội tại Bình Định. Thủ tướng cho rằng, nếu địa phương nào cũng làm được như Bình Định, thì cả nước sẽ hoàn thành mục tiêu tới năm 2030, xây dựng thêm ít nhất 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân người lao động...