Phát triển thị trường nhà ở xã hội
Cung không đủ cầu
Từ năm 2005, TP. Đà Nẵng đã thực hiện chương trình “5 không”, “3 có” với 3 mục tiêu là có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn minh đô thị. Đây là một trong những chính sách nhân văn ở địa phương, góp phần tạo dựng thương hiệu đáng sống của Đà Nẵng trong thời gian qua. Đến nay, thành phố đã đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội, hoàn thành 194 khối nhà với gần 14.000 căn hộ chung cư và 16 khối nhà với 1.874 phòng ký túc xá sinh viên… giải quyết nhu cầu về nhà ở đáng kể cho người dân.
Nhà ở xã hội ở TP. Đà Nẵng đang trong tình trạng cung không đủ cầu |
Tuy nhiên, kể từ năm 2020 đến nay, việc đầu tư nhà ở xã hội từ ngân sách rất hạn chế. Bởi vậy, hiện quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn còn lại rất ít, chỉ ưu tiên bố trí cho người có công với cách mạng. Liên quan đến việc xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho biết, qua báo cáo từ các quận, huyện, đến nay có gần 300 trường hợp hộ nghèo đặc biệt khó khăn về chỗ ở cần thuê nhà chung cư và hàng năm có hơn 1.000 đơn xin thuê chung cư nhà ở xã hội. Song, chưa được đáp ứng. Hiện, nhu cầu xin thuê, xin mua nhà ở xã hội rất lớn, nhất là các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương. Tương tự, ông Phạm Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, nguồn đầu tư nhà ở xã hội gồm từ ngân sách thành phố và ngoài ngân sách thành phố, do các doanh nghiệp đầu tư. Trong đó, đối với nhà ở xã hội được xây dựng từ ngân sách, thành phố ưu tiên cho thuê đối với người có công, cán bộ, công chức, viên chức.
Do quỹ căn hộ chung cư xã hội còn hạn chế, bởi thế từ đầu năm 2019 TP. Đà Nẵng có chủ trương tạm dừng tiếp nhận đơn đề nghị thuê chung cư. Từ đó tới nay, việc cho thuê chung cư tạm dừng, ngoại trừ 63 trường hợp được bố trí thuộc diện gia đình có công với cách mạng. Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn thành phố còn có 3 chung cư với 648 căn hộ đã xuống cấp, hết niên hạn sử dụng trong năm nay. Cũng liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, cung không đủ cầu, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn là rất lớn, có cả ngàn đơn của các đối tượng yếu thế và người có thu nhập thấp mong muốn có nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nói trên là rất khó; đặc biệt trong hoàn cảnh các dự án đầu tư nhà ở xã hội hiện nay đang triển khai, song còn gặp không ít vướng mắc.
Thí điểm bán nhà ở xã hội
Trước thực trạng cung không đủ cầu, nhiều ý kiến đề xuất thành phố quan tâm phát triển thị trường nhà ở xã hội. Cụ thể, đối với nhà ở xã hội xây dựng bằng ngân sách hiện có, cần nghiên cứu lộ trình bán nhà cho các hộ đang thuê nhằm thu hồi ngân sách, tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà ở xã hội ngoài ngân sách thành phố, giải quyết thủ tục cho những người đang thuê mua những nhà ở xã hội có vốn tư nhân đầu tư…
Ông Nguyễn Thành Tiến đề nghị, thành phố cần sớm nghiên cứu lộ trình giải quyết bán nhà cho các hộ đang thuê, đang ở để thu hồi ngân sách nhằm tái đầu tư nhà ở xã hội khác. Hoặc, giải quyết các thủ tục cho những đối tượng này được mua hoặc thuê nhà ở xã hội, tại các dự án nhà ở xã hội do tư nhân đầu tư sắp hoàn thành ngay trong năm 2023.
Được biết, để đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, TP. Đà Nẵng đang tiến hành xây dựng nhiều dự án mới bằng ngân sách. Trong đó có thể kể đến như: Dự án chung cư thu nhập thấp Tân Trà, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, gồm 2 khối nhà, 163 căn hộ, diện tích sàn 14.040 m2, mục tiêu dự án là di dời, bố trí tái định cư các hộ dân đang sinh sống tại khu nhà liền kề Đông Trà, Tân Trà. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2021. Hay dự án chung cư phục vụ tái định cư các dự án khu vực cống thoát nước Khe Cạn (giai đoạn 1), nằm trên địa bàn phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, gồm: 2 khối nhà, 160 căn hộ, diện tích sàn 13.260 m2, mục tiêu dự án là phục vụ tái định cư các dự án khu vực cống thoát nước Khe Cạn, phường Thanh Khê Tây.
Ngoài ra, theo chương trình phát triển nhà ở TP. Đà Nẵng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt thì trong thời gian đến sẽ triển khai đầu tư xây dựng 2 dự án mới. Cụ thể, chung cư nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng với quy mô 400 căn hộ, diện tích sàn 26.000m2, tổng vốn đầu tư khoảng 320 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước; Nhà ở xã hội tại KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2 với quy mô 600 căn hộ, diện tích sàn 40.800 m2, tổng vốn đầu tư 490 tỷ đồng... Ngoài các dự án từ nguồn ngân sách nhà nước, theo đại diện UBND TP. Đà Nẵng, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố có 8 dự án chung cư nhà ở xã hội do các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng đã và đang triển khai thực hiện, tổng quy mô 6.573 căn hộ (đã hoàn thành đưa vào sử dụng 3.432 căn hộ; đang triển khai xây dựng 3.141 căn hộ).
Cũng theo ông Phạm Phú Phong, để thực hiện mục tiêu người dân có nhà, trong thời gian tới, thành phố tập trung đầu tư hoàn thiện 4 dự án liên quan đến nguồn vốn nhà nước, chung cư cho người có công, chuyển đổi công năng 2 ký túc xá. Đặc biệt, thành phố triển khai bán thí điểm nhà ở xã hội cho người đang thuê để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư quan tâm thực hiện tái thiết, tái đầu tư các nhà ở hiện có theo hướng nâng tầng, nâng hệ số sử dụng đất và hiện đại hóa nhà ở xã hội. Thành phố cũng cần có cơ chế quy định về thời gian, thời hạn thuê nhà không quá 5 năm, nhằm hạn chế chiếm hữu nhà ở xã hội do nhà nước quản lý.