Quy hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long lấy tài nguyên nước làm nền tảng
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết tại cuộc họp báo về Hội nghị tham vấn về quy hoạc Đồng bằng sông Cửu Long chiều ngày 23/11/2020.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chủ trì buổi họp báo |
Hội nghị Hội nghị Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 26/11/2020 tổ chức tại Cần Thơ – trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì.
Đây là hội nghị tham vấn cho dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL và thảo luận về các vấn đề lớn, có tính chiến lược định hình sự phát triển của vùng ĐBSCL cho giai đoạn phát triển dài hạn với tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long mang ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn cho chính vùng này và cho cả đất nước. ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố với diện tích bằng 12% diện tích cả nước và là nơi sinh sống của 20% dân số cả nước. Đây là một đồng bằng trù phú lại đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và cung cấp hàng xuất khẩu nhưng vùng đất này đang đối diện với nhiều thách thức.
3 mảng thách thức lớn nhất cho vùng đất này là Nước, Dân số và Hạ tầng. Đây là nơi có đặc điểm tự nhiên nhiều kênh rạch nên hạ tầng đường bộ vừa yếu, vừa thiếu lại phân tán.
Vốn dĩ ĐBSCL là nơi có dân số vàng nhưng lại đang thiếu lao động do cả nguyên nhân hút và đẩy. Do lực hút của các nơi khác như TP.Hồ Chí Minh khá lớn và do khó khăn nội tại của vùng đã đẩy người trong độ tuổi lao động đã rời ĐBSCL đi nơi khác làm ăn.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Nước là vấn đề quan trọng bậc nhất của ĐBSCL. Nước về mang theo phù sa tạo nên màu mỡ và trù phú cho nơi đây. Nhưng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn, khiến cho nhiều mô hình canh tác dựa trên nước ngọt bị phá hủy. Bên cạnh đó, việc xây dựng các đập ở các quốc gia thượng nguồn sông Mekong làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản...
Quy hoạch này xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển Vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.
Tư tưởng chủ đạo của quy hoạch này là lấy tài nguyên nước làm nền tảng cơ sở, là gốc bởi với biến đổi khí hậu nước ngọt sẽ hạn hẹp và chưa biết vùng đầu nguồn sẽ có bao nhiêu dự án thủy điện nữa vì nó phụ thuộc vào chính sách của các quốc gia khác.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, với tinh thần biến thách thức thành cơ hội, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và xu hướng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Bản dự thảo quy hoạch này đã phân ĐBSCL thành 3 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp vùng nước mặn, nước lợ và nước ngọt, coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên. Mỗi vùng nước sẽ xác định cây, con, quy hoạch sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng và lợi thế. Đồng thời khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước theo phương châm “sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn”.
Trong quá trình tham vấn ý kiến Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia về bản quy hoạch này, đa số ý kiến thống nhất với quan điểm phát triển vùng ĐBSCL như dự thảo quy hoạch. Nhưng vẫn còn 6 vấn đề chính chưa thống nhất và những vấn đề này sẽ làm nóng hội nghị tới đây, Thứ trưởng Phương cho biết.
Thứ nhất là việc xác định vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL trong tổng thể phát triển quốc gia, quốc tế và đặc biệt là mối quan hệ với các nước trong ASEAN, vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.
Thứ hai là việc phân 3 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp theo nước mặn, nước ngọt và nước lợ là vấn đề mới. Một số địa phương còn chưa hoàn toàn thống nhất với định hướng chuyển đổi sinh kế nông nghiệp ở một số khu vực đang trồng lúa sang các mô hình sinh kế khác phù hợp hơn với điệu kiện hạn mặn gia tăng do thói quen, tập quán về trồng lúa của người dân đã tồn tại ổn định trong thời gian dài.
Thứ ba là dự thảo quy hoạch đề nghị mỗi năm làm 2 vụ lúa, còn một vụ để đất nghỉ và đón phù sa và đã được nhiều bộ ngành địa phương đồng tình. Nhưng vấn đề cần bàn kỹ hơn là nên giữ khoảng bao nhiêu hecta lúa và sản lượng lúa (khoảng bao nhiêu triệu tấn); cũng như việc có bỏ hoàn toàn lúa vụ 3 trên toàn vùng không.
Thứ tư là thuỷ sản gần đây được coi là trọng tâm mới của nông nghiệp ở vùng ĐBSCL nhưng thủy sản đang gặp nhiều vấn đề về nước và môi trường và vốn đầu tư lớn. Đã có ý kiến thời kỳ tới chú trọng phát triển lĩnh vực rau, hoa, màu, trái cây và chăn nuôi, xem đây là những lĩnh vực có là tiềm năng lớn. Nhưng nhiều địa phương vẫn muốn phát triển thủy sản.
Thứ năm là về các trung tâm đầu mối. Đa số ý kiến thống nhất với việc phải phát triển các trung tâm đầu mối để nâng cao hiệu quả, giá trị của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về sự phù hợp của một số vị trí, chức năng của một số trung tâm đầu mối. Đồng thời, một số ý kiến quan ngại về tính khả thi của việc phát triển các trung tâm đầu mối này về mô hình tổ chức, cách thức vận hành.
Thứ sáu là về định hướng phát triển đô thị. Còn có ý kiến khác nhau về việc nên tập trung phát triển chuối đô thị động lực dọc sông Tiền, sông Hậu kết nối với vùng. TP. Hồ Chí Minh về phía Đông và kết nối với Campuchia về phía Tây; hoặc phát triển đô thị theo mô hình phân tán nhằm hướng tới sự phán triển cần bằng, đồng đều trên toàn vùng. Đây là một nội dung quan trọng ảnh hưởng đến phương hướng tổ chức không gian phát triển của vùng; đồng thời đòi hỏi sự thống nhất của các địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Tại cuộc họp báo, nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị, Thứ trưởng Phương cho rằng: Đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Chính vì vậy, quá trình tham vấn ý kiến, đặc biệt là ý kiến của các địa phương trong vùng ĐBSCL để bản quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong vùng, thực sự giúp tháo gỡ những vấn đề nút thắt phát triển, tạo sự đồng thuận cao trong quátrình lập và triển thực hiện quy hoạch.
Sau hội nghị này Bộ KH&ĐT sẽ có cuộc hội thảo với các Bộ ngành để hoàn chỉnh dự thảo. Và Bộ KH&ĐT nỗ lực tối đa để trình Chính phủ Dự thảo trong tháng 12 này và kỳ vọng bản quy hoạch ĐBSCL là hình mẫu để rút ra bài học kinh nghiệm khi xây dựng các bản quy hoạch cho những vùng còn lại trên cả nước.
Việc xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thực hiện theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy tháng 7 vừa rồi Thủ tướng ban hành Quyết định 1163 về xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL nhưng đến nay đã nhanh chóng xong dự thảo quy hoạch vì việc xây dựng quy hoạch đã căn cứ và dựa trên đề án phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ xây dựng từ trước đây và Luật Quy hoạch cùng với Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 /11 /2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Để xây dựng nội dung quy hoạch, Bộ KH&ĐT đã tổ chức 17 cuộc hội thảo, 12 cuộc họp chính thức với Bộ, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL và nhiều hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia trong nước, quốc tế để hình dung hướng đi và mục tiêu chiến lược của vùng ĐBSCL trong thời gian tới. Trong đó có 3 chuyên đề về tài nguyên nước; Phân vùng phát triển của ĐBSCL; Kết cấu hạ tầng ĐBSCL. |