Quyết định thể hiện sự chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Hy vọng tác động lan tỏa giảm lãi suất nhanh, mạnh hơn
Có thể thấy rằng, việc NHNN liên tiếp 4 lần giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng 6 tháng đã tạo điều kiện cho các NHTM có thể đồng loạt giảm lãi suất huy động và trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, đây còn là chỉ dấu rất rõ nét của NHNN tới ngân hàng thương mại và nền kinh tế rằng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, nguồn lực trong nền kinh tế tương đối tốt, phía ngân hàng có thể an tâm huy động vốn trong dân cư, còn doanh nghiệp người dân cũng có thể an tâm vay và sử dụng vốn có hiệu quả.
Thời gian qua, giới chuyên môn đã dự báo về việc giảm lãi suất điều hành của NHNN. Tuy nhiên, quyết định giảm lãi suất lần này của NHNN nhanh hơn so với dự báo. Vì vậy, chúng tôi cũng hy vọng, tốc độ giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ mạnh hơn, tác động lan tỏa nhanh hơn. Từ đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng phục hồi và phát triển kinh tế.
Đã có nhiều kỳ vọng rằng cuối năm nay, lãi suất trong nền kinh tế sẽ giảm về mức cuối năm 2019 nhưng với tốc độ giảm lãi suất điều hành như thời gian qua thì có thể đến hết quý III, lãi suất sẽ giảm về mức này, hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phục hồi sau dịch.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Hữu Huân – Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Chính sách tiền tệ năng động thực thi các chính sách kích thích kinh tế
Quyết định giảm lãi suất điều hành lần này của NHNN sẽ “tiêm” thêm liều thuốc cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận lãi suất với mức chi phí rẻ hơn. Đây là hành động thể hiện sự chủ động của chính sách tiền tệ. Có thể nói, chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã có sự năng động, tích cực bằng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng việc giảm lãi suất điều hành liên tục cũng tiềm ẩn một số rủi ro có thể xảy ra trong tương lai như đảo chiều dòng vốn, vì thế giảm lãi suất không phải là tất cả. Trong một nền kinh tế, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá phải như “hai cánh kéo”, cả hai cùng kéo mới tạo ra hiệu quả. Hiện nay, có thể nhận thấy chỉ có chính sách tiền tệ có sự năng động thực thi các chính sách kích thích kinh tế, còn chính sách tài khoá đang không thực hiện đúng vai trò. Điều cần làm hiện tại là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính sách tài khoá, kích cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ, lãi suất có giảm sâu mà doanh nghiệp, người dân không có nhu cầu thì họ cũng không vay vốn.
Trước mắt, phải đẩy nhanh đầu tư công đang rất chậm. Tuy đã đi được một nửa đường của năm nhưng có tỉnh mới chỉ giải ngân được 1/4 kế hoạch. Hiện Chính phủ cũng đang rốt ráo những giải pháp thúc đẩy đầu tư công, phải đẩy mạnh nhiệm vụ này thì kinh tế mới có thể khởi sắc mạnh mẽ.
Chuyên gia kinh tế TS. Châu Đình Linh – Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
Đáp ứng được sự trông chờ của doanh nghiệp
Sức hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế đang yếu hơn so với cùng kỳ, do sức mua suy giảm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì thiếu đơn hàng. Song thời gian qua, chính sách tiền tệ đã vào cuộc rất tích cực để kích cầu tín dụng và một trong những công cụ hữu hiệu đó là lãi suất điều hành. Quyết định lần thứ tư giảm lãi suất đã được NHNN cân nhắc tới nhiều yếu tố như lạm phát, thanh khoản hệ thống có nhiều cải thiện thời gian qua, tỷ giá ổn định, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối.
Giảm lãi suất rõ ràng là việc phải làm để tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Việc NHNN giảm lãi suất điều hành được tất cả các chủ thể trong nền kinh tế đón nhận một cách rất tích cực, hân hoan. Đây là cộng đồng doanh nghiệp điều trông chờ tiếp tục được giảm thêm chi phí vốn.
Thời gian qua, các kênh dẫn vốn khác của nền kinh tế như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu… đang có khó khăn nhất định. Song, vốn vay từ ngân hàng vẫn là chủ đạo trong kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi lãi suất cho vay giảm, đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị cho mùa kinh doanh cao điểm nửa cuối năm.
Chuyên gia kinh tế TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam
Giảm lãi suất không phải là tất cả
Phải khẳng định rằng, giảm lãi suất là một động thái rất tích cực của NHNN. Đây là mong muốn của người dân, doanh nghiệp, thông qua đó cũng góp phần kích cầu tăng trưởng tín dụng, đưa vốn vào nền kinh tế. Bởi lẽ, việc giảm lãi suất theo quy luật cung cầu sẽ một phần nào đó kích thích nhu cầu về tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất không phải là tất cả mà xuất phát từ nhu cầu của chính doanh nghiệp, đó mới là yếu tố quyết định nhất.
Có thể thấy, khó khăn đang bủa vây cộng đồng doanh nghiệp, bối cảnh trong nước và trên thế giới đang rất biến động. Nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải cầm chừng sản xuất, đơn cử như Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho biết khoảng 50-60% hội viên đang phải thu hẹp sản xuất, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, vốn lưu động không thể tốt như trước đây. Trong thời gian tới, cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường để kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân.
PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng
Lần giảm lãi suất điều hành này có điểm đặc biệt hơn
Quyết định giảm lãi suất điều hành thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm của NHNN sẽ tạo điều kiện ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất huy động, tiết giảm chi phí giảm lãi suất cho vay các doanh nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về tiền lãi, tăng khả năng tiếp cận vốn... thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại.
Mức giảm lãi suất tại thời điểm này cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt khi ngày hôm qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED quyết định không tăng lãi suất điều hành nữa.
Với bối cảnh kinh tế vĩ mô như hiện nay, tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ trở về như trước thời kỳ bắt đầu dịch Covid-19. Thời điểm diễn ra dịch Covid-19 và những cú sốc về kinh tế vĩ mô trên thế giới, chúng ta đã tăng lãi suất điều hành thêm 2%. Với 4 lần giảm lãi suất liên tiếp vừa rồi thì vẫn còn đâu đó dư địa để chúng ta giảm thêm khoảng 0,5% cho từ giờ đến cuối năm.
Tuy nhiên, việc quyết định giảm thêm bao nhiêu % nữa NHNN sẽ căn cứ vào rất nhiều yếu tố để điều hành một cách linh hoạt, chủ động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lần giảm lãi suất điều hành này có điểm đặc biệt, trần lãi suất huy động chỉ giảm 0,25%, tức là từ 5%/năm xuống 4,75%/năm chứ không giảm 0,5% như các mức lãi tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu... Tôi cho rằng, mức lãi suất huy động có vai trò rất quan trọng vì chúng ta sẽ phải đảm bảo chênh lệch lãi suất đủ lớn giữa tài sản bằng nội tệ với tài sản bằng ngoại tệ để tránh áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Như vậy, việc chúng ta đưa ra trần lãi suất huy động như vậy đã đủ mức lãi suất hấp dẫn đối với tài sản bằng VND. Từ đó giảm tình trạng đô la hóa, giảm áp lực về cầu ngoại tệ cho thị trường ngoại hối.
Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta
Tác động “kép” tới nền kinh tế
Với tư cách doanh nghiệp, là người đang đi vay vốn, chúng tôi nhận thấy với động thái giảm lãi suất của NHNN lần thứ tư liên tiếp chắc chắn sẽ kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống, từ đó chi phí vốn vay của doanh nghiệp sẽ được giảm. Đặc biệt, đây là giảm lãi suất điều hành, không phải một vài ngân hàng giảm lãi suất đơn lẻ, điều này sẽ giúp tất cả các doanh nghiệp cùng hưởng lợi. Không chỉ doanh nghiệp, khách hàng của chúng tôi là người dân cũng được hưởng lợi do lãi vay giảm, kích thích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh. Đây có thể thấy là một tác động “kép” tới nền kinh tế, là một quyết định rất đúng đắn.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng có rất nhiều động thái tích cực để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, hàng loạt ngân hàng đã tiết giảm chi phí, cắt những khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tôi cũng nhìn nhận thấy, bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng lo nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu. Chính vì vậy, những phương án kinh doanh hiệu quả chắc chắn sẽ tiếp cận được tín dụng. Bản thân doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này, khi lãi suất giảm để tìm những thị trường, bạn hàng mới, tiềm năng, vượt qua khó khăn.