Quyết liệt triển khai giải pháp hỗ trợ nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định kinh tế vĩ mô
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tín dụng đang rất hỗ trợ, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Lãi suất đã giảm vượt kỳ vọng đặt ra từ đầu năm |
Xin Phó Thống đốc cho biết, tình hình tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này như thế nào?
Trong suốt 3 tháng đầu năm, NHNN đã sử dụng các biện pháp công cụ một cách rất quyết liệt với mức độ, cường độ lớn hơn nhiều so với năm 2023 và những năm trước đó để tập trung nhiệm vụ yêu cầu Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo rất tích cực làm sao hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nền kinh tế. Tính đến nay tín dụng tăng 1,34% so với cuối năm 2023. Như vậy, sau 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm, đến thời điểm này đã tăng trưởng dương trở lại. Nguyên nhân tín dụng giảm trong thời gian vừa rồi do nhu cầu vốn của doanh nghiệp không cao do tính thời vụ những tháng đầu năm. Lý do nữa là doanh nghiệp còn khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nên nhu cầu vay chưa cao. Trước thực tế trên, NHNN đã triển khai đồng bộ 10 giải pháp, với cường độ cao hơn, tích cực hơn nhiều.
Thứ nhất, chỉ đạo NHTM đảm bảo đủ thanh khoản cho nền kinh tế, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp. Một số NHTM thậm chí dư thừa nguồn vốn.
Thứ hai, giảm lãi suất điều hành năm 2023 và chỉ đạo NHTM giảm lãi suất cho vay. NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Thứ ba, hạn mức tín dụng đặt ra kỳ vọng khoảng 15%, có thể mở rộng linh hoạt những tháng cuối năm. Việc giao chỉ tiêu từ đầu năm để ngân hàng chủ động trong hoạt động cấp tín dụng.
Thứ tư, điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ đảm bảo lượng ngoại tệ hợp lý với nhu cầu ngoại tệ chính đáng của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thứ năm, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Thứ sáu, kéo dài thời hạn trả nợ, trả lãi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính sách này hỗ trợ trực tiếp cho khó khăn hiện tại của doanh nghiệp nhưng cần tính toán đảm bảo hài hoà chất lượng các tổ chức tín dụng, an toàn cho các NHTM.
Thứ bảy, triển khai quyết liệt chương trình, gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ hải sản, lâm sản rất quan trọng, giải quyết công ăn việc làm, hàng hoá xuất khẩu...
Thứ tám, triển khai tích cực cho vay tiêu dùng, vừa tạo cơ chế, điều kiện cho công ty tài chính NHTM phục vụ sản xuất, thực hiện mục tiêu kích cầu...
Thứ chín, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phổ cập giải ngân trực tuyến, rút ngắn quy trình giao dịch ngân hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân.
Thứ mười, tăng cường tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đây là giải pháp truyền thống nhưng NHNN có thể nắm bắt, tháo gỡ trực tiếp vướng mắc, không để ảnh hưởng nhu cầu vay vốn cấp thiết của doanh nghiệp.
Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp trên, đến tháng 3, đầu tháng 4 tín dụng tăng trưởng khá tích cực.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ đặc biệt là chính sách lãi suất, cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ được kéo dài cùng với việc duy trì một số chính sách khác… Qua đó tạo điều kiện cho bản thân ngân hàng cũng mạnh dạn cho vay, còn về phía doanh nghiệp, hộ nông dân, cá nhân cũng mạnh dạn vay vốn. NHNN cũng giao các NHTM khẩn trương tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể để tiếp tục tăng trưởng tín dụng. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành các cấp, chính quyền địa phương sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhanh hơn đồng nghĩa với việc sẽ hỗ trợ nhiều vốn cho doanh nghiệp một cách tích hơn.
Phó Thống đốc có thể chia sẻ rõ hơn quan điểm của NHNN đối với điều chỉnh Thông tư 02?
Có thể nói, ngay từ khi xảy ra dịch Covid-19 vào năm 2020, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Suốt mấy năm quyết sách trên được triển khai mang lại hiệu quả rõ rệt. Bước sang năm 2023 do tác động kinh tế thế giới doanh nghiệp kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Và Thông tư 02 đã đi vào cuộc sống trong thời gian qua và đã phát huy rất tích cực.
Hiệu lực của Thông tư 02 sẽ kết thúc vào 30/6/2024. Tuy nhiên, do kinh tế trong nước còn khó khăn, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi, NHNN nhận thấy cần thiết kéo dài thêm thời gian của Thông tư 02. Đây là chính sách trực tiếp hỗ trợ cho cả doanh nghiệp, ngân hàng trong việc xử lý các khoản nợ đến hạn chưa trả được có thêm thời gian để khắc phụ khó khăn, trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, liều lượng chính sách này như thế nào phải đáp ứng hai yêu cầu: Vừa hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tài chính cho chính các NHTM. Hay nói cách khác là phải đảm bảo nợ xấu không bị xấu che đậy đảm bảo tính khách quan khoản nợ trong nền kinh tế.
Mấy ngày gần đây tỷ giá liên tục tăng. NHNN sẽ có biện pháp gì để can thiệp tỷ giá trong thời gian tới, thưa Phó Thống đốc?
Tỷ giá trong mấy ngày vừa qua đặc biệt từ đầu tháng 4 cũng có tăng lên. Đến thời điểm này tỷ giá tăng 4,9% so với đầu năm. Tuy nhiên so với nhiều nước xung quanh kể cả nền kinh tế lớn mức tăng trên vẫn còn thấp hơn nhiều như đồng đô la Đài Loan mất giá 5,96%; Nhật Bản mất giá 9,69%; đồng won Hàn Quốc 7,71%...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất là chính sách nâng giá đồng USD của Mỹ, đặc biệt của Fed chưa thể hiện rõ việc hạ lãi suất cũng như câu chuyện nới lòng chính sách tiền tệ của mình. Tất cả những kỳ vọng đánh giá của thị trường đều không thực hiện được trong mấy tháng đầu năm. Thị trường vẫn đang kỳ vọng giữa hoặc cuối năm có chính sách mới của Fed trong việc hạ lãi suất. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá của các nước trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, tình hình kinh tế thế giới, địa chính trị, giá vàng thế giới, xăng dầu cũng là những yếu tố tác động chính sách tỷ giá của các nước nói chung trong đó có Việt Nam. Nhất là Việt Nam có độ mở kinh tế thế giới khá lớn. Hai là chính sách lãi suất của Việt Nam ngược chiều với nhiều quốc gia trong thời gian vừa qua. Khi các nước tăng lãi suất thì NHNN quyết định điều chỉnh giảm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Giải pháp này rất trúng, mạnh mẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc thực hiện chính sách lãi suất thấp phần nào tác động lên tỷ giá. Nhất là chênh lệch lãi suất âm trên thị trường ngân hàng tức là lãi suất của đồng VN thấp hơn lãi suất USD.
Ba là, để phục vụ cho việc nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa nên nhu cầu ngoại tệ tăng lên cũng tác động đến tỷ giá.
Tuy nhiên, tất cả nguyên nhân trên NHNN cũng đã đánh giá và có biện pháp điều chỉnh thông qua các công cụ điều hành. Trước hết là công cụ điều hành tỷ giá trung tâm cũng như là quản lý quán xuyến thị trường ngoại tệ để làm sao đảm bảo cung - cầu ngoại tệ phù hợp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp kể cả trong và ngoài nước. Qua đó phục vụ tốt hơn lưu chuyển dòng vốn ra vào. Trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể sử dụng nguồn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để can thiệp đảm bảo điều hành tỷ giá như mục tiêu đặt ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!