Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tín dụng đang rất hỗ trợ, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp
Nhận diện điểm nghẽn thị trường tài chính |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú thảo luận tại Diễn đàn. |
Trong khi đó, những khó khăn từ nội lực của nền kinh tế nước ta, nhất là sau đại dịch và tình hình khó khăn hiện nay của thế giới đã tác động lớn đến khu vực sản xuất và kinh doanh của Việt Nam. Chính vì thế, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua cũng rất linh hoạt, thận trọng và chắc chắn theo hướng thực hiện các mục tiêu của Quốc hội cũng như Chính phủ đề ra.
Đặc biệt, chính sách tiền tệ cũng đã phối hợp các chính sách vĩ mô khác, vẫn tôn trọng nguyên tắc của thị trường trong quá trình điều hành để đảm bảo sự cạnh tranh cũng như sự phấn đấu cho các NHTM và các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Điển hình nhất là về lãi suất.
Phó Thống đốc cho biết điều hành lãi suất là một trong những khó khăn lớn nhất trong điều hành lĩnh vực ngân hàng - tiền tệ. Từ tháng 2/2022 đến nay, Hoa Kỳ đã 11 lần điều chỉnh lãi suất tăng, hiện đang duy trì mức lãi suất cao nhất trong vòng 40 năm qua. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cách đây một tuần tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm 2023, hiện cũng là cao nhất kể từ khi thành lập ECB.
Trong khi lãi suất cả thế giới tăng nhưng riêng ở Việt Nam, căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ và đặc biệt căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, NHNN đã bốn lần giảm lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã tạo dư địa, tạo thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế và đặc biệt thanh khoản cho các TCTD, thông qua các nghiệp vụ của mình, các công cụ của mình để tạo dư địa cho các NHTM có giá vốn rẻ để cho vay lãi suất thấp hơn.
Cũng theo Phó Thống đốc, hạn mức tăng trưởng tín dụng là một công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung việc tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát. Năm 2023, NHNN cũng nới rất rộng, tạo thông điệp cho nền kinh tế rằng tín dụng đang rất hỗ trợ, sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham dự Diễn đàn |
Về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách như hiện nay.
Các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đều đánh giá dư địa chính sách tiền tệ hiện nay còn rất ít, chính vì thế trong thời gian tới khó có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Bởi lẽ, lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá, nếu lãi suất giảm thấp thì nhiều khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên. Chính vì thế, cần phải tìm được điểm cân bằng của lãi suất và tỷ giá.
Phó Thống đốc khẳng định điều hành tỷ giá là một trong những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian qua. Đến thời điểm hiện nay, tỷ giá chỉ mất giá so với đầu năm khoảng 1,8-2%, trong khi ngay cả những nước lớn cũng mất giá đến 9-10%, thậm chí như Nhật Bản đến 12%.
Trong bối cảnh dư địa không còn nhiều, NHNN thấy rằng phải điều hành chính sách tiền tệ hết sức chặt chẽ và hợp lý. Tuy nhiên, giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp vẫn là yêu cầu đặt ra hiện nay đối với các TCTD trên cơ sở tiếp tục cắt giảm chi phí và chia sẻ khó khăn hiện nay với doanh nghiệp.
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn |
Theo thống kê, lãi suất cho vay bình quân hiện nay khoảng 7,9% với những các khoản cho vay mới. Các khoản cho vay trước đây chưa đến thời hạn trả nợ, thu nợ thì lãi suất cho vay khoảng 9,4%. Lãi suất cho vay những khoản cho vay cũ của doanh nghiệp cũng sẽ từng bước giảm xuống nhưng sẽ có độ trễ… Vì vậy, điều hành lãi suất nếu như không thận trọng, quyết liệt quá hay nóng vội quá đều có thể đến một thời điểm nào đó dẫn đến mức thái quá và lúc đó lại phải chi phí cho việc xử lý.
Chính vì thế, NHNN rất quan tâm và tìm mọi cách để điều hành lãi suất một cách hợp lý, trên cơ sở đảm bảo được tỷ suất bình quân lợi nhuận của nền kinh tế, lợi nhuận hợp lý, đảm bảo an toàn cho hệ thống các TCTD nói chung cũng như từng NHTM nói riêng. Rộng hơn nữa là hài hòa, đảm bảo an toàn cho nền tài chính quốc gia.
NHNN cũng đã ban hành rất nhiều văn bản, quy định để tạo điều kiện thông thoáng hơn |
Về tiếp cận tín dụng, Phó Thống đốc cho biết từ đầu năm đến nay, dưới sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai rất nhiều giải pháp, trong đó có giảm lãi suất; cơ cấu lại, giãn hoãn nợ cho những khoản nợ còn lại đến hạn; cắt bỏ những chi phí, rào cản, thủ tục, điều kiện để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn.
NHNN cũng đã ban hành rất nhiều văn bản, quy định để tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho các NHTM trong cho vay, kể cả ứng dụng công nghệ trong thời gian vừa qua và hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều gói chính sách của Đảng, Nhà nước đã được triển khai như gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất; gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; gói 15.000 tỷ đồng dành riêng cho lĩnh vực xuất khẩu của lâm sản và thủy sản… Riêng với gói 15.000 tỷ đồng, qua thống kê trong thời gian thực hiện chưa được 2 tháng nhưng cũng đã giải ngân được hơn 6.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, NHNN cũng đã đã và đang tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị để kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; đồng thời đã làm việc với các hiệp hội và phối hợp với chính quyền địa phương để cùng xử lý những khó khăn, vướng mắc, cùng nhau chia sẻ.
“Tại Hội nghị mới nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cũng đánh giá vốn không thiếu, lãi suất với điều kiện hiện nay không phải là cao, nhưng làm sao tiếp cận được tín dụng phải nhìn từ hai phía, phía các ngân hàng và bản thân các doanh nghiệp cũng phải cơ cấu lại. Bởi lẽ, vay tín dụng là một khoản vay có hoàn trả chứ không phải là khoản cấp phát nên phải có những điều kiện tối thiểu để đảm bảo an toàn cho khoản vay cũng như an toàn cho các TCTD…”, Phó Thống đốc cho biết thêm.