Sẵn sàng giao dịch điện tử theo quy định mới
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Tìm điểm cân bằng giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Luật giao dịch điện tử: Mở đường cho chuyển đổi số Việt Nam |
Theo các chuyên gia việc hoàn thiện cơ sở pháp lý tạo ra điều kiện rất thuận lợi để hệ thống TCTD bứt phá hơn trong hoạt động mở rộng phạm vi giao dịch điện tử trong các nghiệp vụ căn bản. Đơn cử, LS. Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico cho rằng, hiện nay về cơ chế kiểm soát những yếu tố xác thực trong giao dịch số nhất là chữ ký số, chứng thư số đã được luật hóa.
Hầu hết các ngân hàng đều đã đáp ứng được cơ chế kiểm soát này bằng việc tiếp nhận các lô chữ ký số được chứng thực và cung cấp cho khách hàng để giao dịch dưới nhiều dạng công nghệ về chữ ký điện tử (esign, usb token). Trong các năm gần đây, nhiều ngân hàng cũng đã chú trọng đầu tư nền tảng công nghệ. Vì thế, có thể nói ngành Ngân hàng đáp ứng khá tốt về cả hai yếu tố: nền tảng công nghệ và độ sẵn sàng cho hoạt động kiểm soát xác thực”, ông Hải nói.
Ngân hàng đáp ứng quy định theo Luật Giao dịch điện tử 2023 |
Theo đại diện một số NHTM tại TP. Hồ Chí Minh, ngay khi Luật Giao dịch điện tử 2023 được Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn chi tiết bằng các nghị định, thông tư thì các nghiệp vụ căn bản của ngân hàng đều có thể triển khai được trên thực tế. Ngoài những dịch vụ ngân hàng số đã được các TCTD thúc đẩy thì pháp lý cho giao dịch điện tử đối với các nghiệp vụ cơ bản như cho vay trực tuyến cũng đã được bổ sung dần hoàn thiện.
Theo đó, từ tháng 9/2023 với các sửa đổi, bổ sung của Thông tư 06/2023/TT-NHNN, hoạt động cho vay phương thức bằng điện tử đã được quy định chi tiết. Các TCTD được phép tự quyết định công nghệ phục vụ cho vay điện tử phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh; Đồng thời tự quyết định các biện pháp, hình thức, công nghệ quản trị rủi ro và đáp ứng các yêu cầu về kiểm soát xác thực, bảo mật về dữ liệu. Tuy nhiên trên thực tế các giao dịch điện tử sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề khó lường trước.
Chuyên gia Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA cho rằng, các quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023 công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu tương đương với văn bản. Vì thế, khi luật này có hiệu lực, các hợp đồng như: hợp đồng lao động, hợp đồng xây dựng, hợp đồng tín dụng… đều có thể được lập dưới dạng hợp đồng điện tử. Khi đi vào vận hành, hàng loạt các quy định về “văn bản gốc” khi giao dịch về thuế, về hạch toán, kế toán và thống kê lưu trữ… sẽ phải bổ sung sửa đổi. “Việc này, không chỉ liên quan đến các ngân hàng mà liên quan đến rất nhiều bộ, ngành khác”, đại diện ATA nói.
Theo LS. Trần Minh Hải, một trong những bất cập phát sinh phổ biến trong giao dịch số là tranh chấp đối với các giao dịch không bằng văn bản. Có những vụ án khi tranh chấp xảy ra, thay vì xuất trình những dữ liệu chứng minh giao dịch điện tử, ngân hàng phải văn bản hóa các dữ liệu đó, rồi lập thêm văn bản giải trình về giao dịch, giải trình về việc tại sao lại giao dịch số mà không phải giao dịch bằng văn bản…
“Để tòa án hiểu, ngân hàng còn phải lập hàng loạt văn bản giải thích các vấn đề liên quan về giao dịch số, rồi lại chờ tòa án xác minh làm rõ giao dịch số với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Vậy là với những tranh chấp từ giao dịch số, thời gian và số lượng văn bản giải trình mất nhiều hơn là tranh chấp từ giao dịch văn bản thông thường”, ông Hải nhận định.
Đối với lĩnh vực công chứng, theo bà Nguyễn Thị Vinh Hương, khoa Luật, Trường Đại học Thương mại, hiện nay pháp luật về công chứng của Việt Nam chưa có quy định về công chứng điện tử. Để tương thích với các quy định về “giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu” thay thế văn bản giấy thì luật này cần có sự thay đổi bổ sung. Từ đó các hoạt động chứng thực, giao dịch đảm bảo, thế chấp vay vốn mới có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến được.
Riêng đối với chữ ký số, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, để không gián đoạn các giao dịch điện tử trong hoạt động của các ngân hàng vào thời điểm Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có hiệu lực, ngoài việc sử dụng các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử thì việc sử dụng chữ ký số cũng là một lựa chọn. Tuy nhiên, hiện nay chi phí cho chữ ký số cá nhân vẫn còn khá lớn nên đa phần người dân chưa có chữ ký số cá nhân. Các ngân hàng cũng cần chi phí đầu tư để tích hợp hệ thống, mua chữ ký số cho cán bộ nhân viên, chi phí hạ tầng cho các nền tảng ký số, xác thực chữ ký số…
Vì vậy, cần có những giải pháp để phổ cập chữ ký số theo các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Vì đây là cơ sở để ứng dụng đa dạng chữ ký điện tử, thiết lập giao dịch điện tử an toàn, gia tăng niềm tin với người dùng, cơ quan, tổ chức khi tiến hành giao dịch trên môi trường điện tử.