Siêu Ủy ban chỉ là tổ chức đầu tư hay kiêm cả cơ quan quản lý
Siêu Uỷ ban không phải người kinh doanh | |
Siêu ủy ban: Kỳ vọng và áp lực |
Ảnh minh họa |
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang được đề nghị rời Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN để về lại Bộ Giao thông - Vận tải. Nhiều dự án của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang mắc kẹt hoặc tê liệt vì “siêu” Ủy ban này chưa quyết được cho thấy sự dùng dằng trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường và sự bất cập trong quy định pháp luật cho một cơ quan đặc thù.
Lãnh đạo VNR cho biết từ 1/1/2020, 20 DN công ích thuộc Tổng công ty không được ký kết hợp đồng, khiến cho trên 1 vạn người không có tiền lương, nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng. Thậm chí bây giờ “chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai”. Nguyên nhân vì theo Luật Ngân sách, khi đã được chuyển giao về Ủy ban thì DN này không được Bộ Giao thông - Vận tải giao vốn dự toán ngân sách năm 2020 cho việc bảo trì, đảm bảo an toàn chạy tàu. Không chỉ VNR mà Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đang “gợi ý” xin rời Ủy ban để lại quay về trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải.
Trên thực tế trong hơn một năm qua có không ít lời than thở của lãnh đạo nhiều DN trong số 19 tập đoàn và các tổng công ty nhà nước đã được chuyển giao về Ủy ban. Họ cho biết nhiều dự án đầu tư liên quan tới vốn ngân sách cũng tê liệt không triển khai được. Đơn cử như dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi của VEC… hồ sơ đã được nộp lên Ủy ban nhưng Ủy ban không thể phê duyệt được vì vướng quy định pháp luật. Luật Đầu tư 2014 (gọi tắt là Luật 67) và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN (Luật 69) đều không quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban đối với các dự án nói trên.
Thế nhưng Ủy ban chưa quyết thì dự án vẫn ách tắc, DN còn khó khăn… Đầu tư công trì trệ đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế. Không những vậy, dự án tê liệt, không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn làm giảm sút uy tín của Việt Nam trong con mắt các nhà tài trợ vốn.
Nhưng nếu để các DN quay trở lại với Bộ quản lý cũ thì phá vỡ tất cả những nỗ lực thành lập Ủy ban này. Thậm chí TS.Nguyễn Đình Cung – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, nếu để các DN này quay lại với bộ thì nên dẹp bỏ Ủy ban.
Còn nhớ phải sau hơn 20 năm bàn luận, Ủy ban Quản lý vốn mới được thành lập với rất nhiều kỳ vọng về một mô hình đặc thù và đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực tách bạch vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chức năng quản lý Nhà nước của các Bộ chủ quản.
Mô hình đặc thù, nhưng lại không có những quy định pháp lý để mô hình này làm tốt, làm đúng trách nhiệm và nhiệm vụ. Nhìn lại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban cũng chưa bao phủ được hết những vấn đề trên. Bên cạnh đó cơ chế, chính sách chồng chéo, chưa rõ ràng khiến Ủy ban cũng đang rất khó khăn.
Tuy nhiên, với những vướng mắc cụ thể hiện nay như của VNR, nếu hiểu đúng làm đúng thì không có gì vướng mắc. Bởi theo như chủ trương trước đây khi chuyển DN này về Ủy ban, thì DN sẽ tách nhiệm vụ công ích ra khỏi phần kinh doanh. Hiện có cơ chế đấu thầu phần công ích chứ không chỉ là Nhà nước giao cho DN thực hiện nhiệm vụ công ích.
“Đấu thầu” cũng chính là cách mà TS.Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói đến. Nếu tổ chức đấu thầu thì không có vướng mắc gì xảy ra, nhưng ở đây VNR lại không muốn đấu thầu. Trong khi luật quy định, DNNN thì không thể giao vốn cho công ty cổ phần mà bắt buộc phải đấu thầu, công khai, minh bạch hiệu quả nguồn vốn Nhà nước. Như vậy “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết 87 của Quốc hội và các quy định pháp luật khác đều không vướng mắc gì cả”.
Còn để giải quyết những vướng mắc về quyền quyết hay không quyết các dự án đã nêu của Ủy ban, cần có phương án xử lý toàn diện bằng việc sửa đổi, bổ sung quy định của các luật có liên quan. Thế nhưng khi các luật chưa sửa được, điều mong chờ hiện nay là Chính phủ ban hành nghị quyết về việc xử lý các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các DN.
Theo như TS.Nguyễn Đình Cung, chính vì có sự dùng dằng trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường khiến việc thiết kế Ủy ban không đúng với bản chất của mình lúc mới thành lập. Vai trò của Ủy ban là giao mục tiêu để DN thực hiện chứ không phải giao từng dự án. Các mục tiêu giao cho DN có các chỉ tiêu cụ thể như tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh… Còn việc làm gì để đồng vốn sinh lời, để đạt các chỉ tiêu được giao là trách nhiệm của DN. Còn nếu can thiệp đến từng dự án thì Ủy ban có cả nghìn người cũng không kham nổi.