Siêu Uỷ ban không phải người kinh doanh
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với siêu Uỷ ban này vào chiều 26/3/2019. Kể từ khi thành lập tháng 9/2018, đây là buổi làm việc chính thức đầu tiên của lãnh đạo Chính phủ với Ủy ban.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc |
Nhiều khó khăn “bủa vây”
Báo cáo về công tác tổ chức bộ máy, công việc tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty, kết quả cổ phần hóa và thoái vốn…, Chủ tịch Ủy ban, ông Nguyễn Hoàng Anh, cho biết bộ máy Ủy ban gồm 9 đơn vị cấp vụ và tổng nhân sự được tuyển dụng là 120 người.
Tuy nhiên, hiện siêu Ủy ban mới có 50 người trong biên chế tuyển dụng năm 2018 từ 5 bộ, từ SCIC và một ít người từ các doanh nghiệp. Còn biên chế nhưng tuyển được người đủ năng lực về Ủy ban khá khó khăn. Người có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm công tác 7- 10 năm không muốn chuyển đổi công việc nếu không có vị trí, tuyển dụng người có vài năm công tác thì chưa biết việc.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Hồ Sỹ Hùng cho biết thêm, hiện đã hoàn tất việc tiếp nhận bàn giao 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ 5 bộ. Nhưng, việc tiếp nhận từ địa phương còn chậm. Theo quyết định của Thủ tướng có 62 doanh nghiệp các bô và địa phương phải chuyển giao về SCIC nhưng mới có 29 doanh nghiệp được chuyển giao.
Về cổ phần hóa và thoái vốn, ở các mức độ khác nhau, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đang tái cơ cấu. Đã hoàn thành cổ phần hóa 3 doanh nghiệp trong số 9 doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020. Theo kế hoạch có 3 doanh nghiệp phải thoái vốn trong các năm 2018-2019, nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Báo cáo được Phó Chủ tịch Ủy ban trình bày đúc kết, Ủy ban đang đứng trước nhiều thách thức và trong hoạt động đang gặp 9 khó khăn, phần lớn là những khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ lâu trước khi Ủy ban ra đời mà đến nay Ủy ban phải xử lý. Đó là các khó khăn về sắp xếp lại nhà đất, xác định giá trị vô hình, xử lý 12 dự án thua lỗ, vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt đầu tư…
Đơn cử như việc với những dự án đầu tư, mua sắm tài sản cố định với giá trị hơn 50% vốn chủ sở hữu thì doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan chủ sở hữu phê duyệt. Nhưng Luật Đầu tư công và Luật Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lại không quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan thuộc Chính phủ, tức là không có quy định này cho siêu Ủy ban, nên có dự án của doanh nghiệp đang phải nằm chở…
Không can thiệp vào sản xuất kinh doanh
Quang cảnh buổi làm việc |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong phát biểu của mình đã ghi nhận những nỗ lực của Ủy ban, chỉ trong 6 tháng đã khẩn trương làm được rất nhiều việc, đặc biệt đã xây dựng một số nền tảng mang tầm chiến lược, như hình thành cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và vận hành hệ thống quản lý, giám sát doanh nghiệp trực tuyến.
Xác định rõ khó khăn trước mắt sẽ còn nhiều, Phó Thủ tướng lưu ý việc thành bại của mô hình này là do những người thực hiện. Vì thế, phải “chiêu hiền, đãi sỹ”, người về Ủy ban phải là tinh hoa cả về phẩm chất đạo đức, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng, có trình độ về quản lý tài chính doanh nghiệp và am hiểu ngành nghề chuyên môn. Phải từ việc để tìm người…
Phó Thủ tướng nhắc nhở Ủy ban không can thiệp vào việc sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền được quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp. Chức năng của Uỷ ban không phải là kinh doanh vốn mà là tổ chức, quản lý, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban không phải người kinh doanh mà là nhà đầu tư.
Để làm tốt nhiệm vụ được giao, Phó Thủ tướng cho rằng từng cán bộ của Ủy ban phải nắm chắc các quy định pháp luật, các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, các Quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước, các văn bản pháp luật, phải thấu hiểu chức năng nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng: Tôi tin là có Ủy ban, năm 2019 này tình hình doanh nghiệp nhà nước sẽ có nhiều khởi sắc.