Chỉ số kinh tế:
Ngày 23/6/2025, tỷ giá trung tâm của VND với USD là 25.028 đồng/USD, tỷ giá USD tại Cục Quản lý ngoại hối nhà nước là 23.827/26.229 đồng/USD. Tháng 5/2025, chỉ số IIP ước tăng 4,3% so với tháng trước và 9,4% so với cùng kỳ. Cả nước có hơn 15,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư công tăng mạnh 15,3%, FDI đăng ký tăng 51,2%, FDI thực hiện tăng 7,9%. Tổng thu ngân sách đạt 172,4 nghìn tỷ đồng, lũy kế 5 tháng tăng 24,5%. Xuất nhập khẩu đạt 78,64 tỷ USD, tăng 15,5%; CPI tăng nhẹ 0,16%, lạm phát cơ bản giữ ở mức 3,10%. Việt Nam đón 1,53 triệu lượt khách quốc tế trong tháng, nâng tổng 5 tháng lên 9,2 triệu lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ.
banner-dai-hoi-dang

Sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng: Hướng tới hệ thống tài chính ngân hàng an toàn, bền vững

Trần Hương
Trần Hương  - 
Sáng nay (10/6), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường, cùng ý kiến thẩm tra chính thức của Ủy ban Kinh tế và Tài chính về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng. Báo cáo đã tập trung làm rõ cơ sở chính trị, tác động tích cực của dự thảo luật, đồng thời giải trình các nhóm chính sách then chốt như cho vay đặc biệt, thu giữ tài sản bảo đảm và luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14. Với tinh thần cầu thị, Chính phủ đề xuất điều chỉnh để luật có hiệu lực từ 1/8/2025, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính và trật tự xã hội.
aa
Sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng: Hướng tới hệ thống tài chính ngân hàng an toàn, bền vững
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Tác động tích cực của dự thảo luật

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan chủ trì đã chỉ đạo rà soát và đánh giá tác động của các chính sách trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng, nhằm làm rõ cơ sở chính trị của việc ban hành luật này. Các nội dung tại dự thảo luật được khẳng định là phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật của Việt Nam. Đồng thời, nếu được thông qua, các quy định sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với kinh tế - xã hội, đặc biệt là tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của cá nhân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, cũng như đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ các đường lối, chủ trương của Đảng, bao gồm ba nghị quyết quan trọng trong "Bộ tứ cất cánh" giúp Việt Nam phát triển. Cụ thể, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới được phản ánh rõ nét. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng được luật hóa. Ngoài ra, thực hiện yêu cầu tại Thông báo số 1346/TB-VPQH ngày 28/4/2025 về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng văn bản số 14923-CV/VPTW ngày 20/5/2025 của Bộ Chính trị, ba nội dung còn lại của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được nhất trí luật hóa nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì rà soát, nghiên cứu toàn diện những khó khăn, bất cập trong hoạt động của các tổ chức tín dụng để sửa đổi, bổ sung nội dung, bảo đảm hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng nợ xấu. Các sửa đổi này cũng nhằm đáp ứng ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Quan điểm được nêu rõ là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để tránh mất thời cơ.

Các nhóm chính sách then chốt đã được giải trình thuyết phục

Về nhóm chính sách chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục đích của ngân hàng trung ương về phát hành tiền không sử dụng nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm không dẫn đến rủi ro ngân sách nhà nước phải bù lãi suất. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát các quy định về xử lý các khoản cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước theo chế độ tài chính của ngân hàng này.

“Việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng cho hai trường hợp: một là tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt để chi trả cho người gửi tiền, hai là để thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc của các tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt. Hoạt động này chỉ được tiến hành sau khi đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở. Như vậy, cho vay đặc biệt là cần thiết để ngăn chặn hiện tượng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng, hạn chế nguy cơ rủi ro lan truyền sang các tổ chức khác, hoặc hỗ trợ phương án phục hồi, chuyển giao bắt buộc nhằm tái cơ cấu các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Mục tiêu là đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh trật tự và an toàn xã hội, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức tín dụng được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước”, Thống đốc phát biểu.

Thống đốc cũng nhấn mạnh, khoản 3 Điều 194 Luật các Tổ chức tín dụng 2024 đã giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết việc cho vay đặc biệt. Thực hiện quy định này, Thống đốc đã ban hành Thông tư số 37/2024/TT-NHNN ngày 30/6/2024, quy định cụ thể mục đích, số tiền, thời hạn, tài sản bảo đảm, điều kiện tài sản bảo đảm, trả nợ vay và trách nhiệm của các bên liên quan.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, sau khi dự thảo luật được ban hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Thông tư số 37/2024/TT-NHNN liên quan đến tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, mục đích sử dụng khoản vay, trách nhiệm của đơn vị được vay và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước khi cho vay, kiểm soát nguồn tiền để tránh rủi ro, tránh lạm dụng chính sách. Điều này nhằm giảm áp lực tái cấu trúc nội tại của ngân hàng, tăng cường tính minh bạch về trình tự, thủ tục cho vay, đồng thời tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tổn thất có thể xảy ra, phòng tránh rủi ro đạo đức, rủi ro chính sách và hiệu ứng phụ, bảo đảm niềm tin và công bằng thị trường.

Về điều khoản chuyển tiếp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, quyết định bỏ quy định tại khoản 2 Điều 2 dự thảo luật, quy định chuyển tiếp đối với các khoản cho vay đặc biệt đã được Thống đốc NHNN quyết định trước ngày luật này có hiệu lực.

Về nhóm chính sách luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, Thống đốc cho biết, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến ba vấn đề lớn liên quan đến thu giữ tài sản bảo đảm: điều kiện thu giữ, sự tham gia của chính quyền địa phương và cơ chế kiểm soát để tránh lạm quyền. Về điều kiện thu giữ, thu giữ tài sản bảo đảm không phải là hành động đơn phương, vô điều kiện mà phải tuân thủ phạm vi, giới hạn, điều kiện thu giữ, tôn trọng quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên. Quy định về trình tự, thủ tục thu giữ phải công bằng, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên có nghĩa vụ, tổ chức tín dụng và các bên liên quan.

Về sự tham gia của chính quyền địa phương, vai trò của các cơ quan, chính quyền địa phương nhằm xác nhận tình trạng thực tế và đảm bảo an ninh trật tự xã hội khi tổ chức tín dụng thực hiện biện pháp thu giữ, đồng thời ngăn ngừa việc tổ chức tín dụng lạm dụng quyền, đảm bảo thu giữ công khai, minh bạch, không gây mất trật tự xã hội, không xâm phạm quyền của các chủ thể liên quan. Việc quy định vai trò của Ủy ban Nhân dân cấp xã, cơ quan công an cấp xã khi thu giữ tài sản bảo đảm sẽ tạo ý thức tuân thủ của tổ chức tín dụng, bên bảo đảm, bên vay, người liên quan và người dân tại địa điểm thu giữ.

Về cơ chế kiểm soát tránh lạm quyền, dự thảo luật quy định tổ chức tín dụng không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không hạn chế quyền khiếu nại của các bên, đặc biệt là bên bảo đảm và bên đang giữ tài sản bảo đảm. Hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm và hoạt động của tổ chức tín dụng nói chung chịu sự quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Ngân hàng Nhà nước.

Về quy định kê biên tài sản của bên thi hành án là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và quy định hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, tang vật, phương tiện trong vụ việc vi phạm hành chính, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã rà soát tính thống nhất của dự thảo luật với Luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Các quy định tại dự thảo luật bổ sung khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, giải quyết các vấn đề chưa được quy định hoặc chưa có quy định cụ thể. Nội dung này phù hợp với các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Tố tụng Hình sự.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định xác định rõ việc xử lý tài sản bảo đảm, thanh toán số tiền xử lý tài sản bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Về kỹ thuật, Chính phủ đã hoàn thiện, chỉnh sửa Điều 198b dự thảo luật theo hướng tách thành ba khoản để đảm bảo rõ ràng, cụ thể hơn.

Thống đốc cho rằng, các nội dung tại dự thảo luật cơ bản đã đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, được tổng kết từ thực tiễn triển khai thí điểm Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2023, đồng thời sửa đổi, bổ sung để khắc phục các hạn chế, vướng mắc trong giai đoạn thí điểm. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì tiếp tục rà soát. Trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà không cần giao cụ thể tại dự thảo luật.

Về thời điểm có hiệu lực, Thống đốc cho biết, theo khoản 1 Điều 53 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025, trong trường hợp đặc biệt, văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn có thể có hiệu lực từ ngày thông qua hoặc ký ban hành. Tiếp thu ý kiến thẩm tra, dự thảo luật điều chỉnh quy định tại Điều 3 theo hướng luật này sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày thông qua, cụ thể là từ ngày 1/8/2025.

Trần Hương

Tin liên quan

Tin khác

Không ngừng đổi mới, sáng tạo, đưa nền báo chí cách mạng vươn mình cùng dân tộc

Không ngừng đổi mới, sáng tạo, đưa nền báo chí cách mạng vươn mình cùng dân tộc

Ngày 21/6/2025, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, diễn ra Lễ kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Sự kiện nhằm tôn vinh những thành tựu của báo chí cách mạng Việt Nam trong 100 năm qua. Đây cũng là kim chỉ nam để các nhà báo tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình trong giai đoạn đất nước đang vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.
Một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc

Một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc

Trong suốt chiều dài lịch sử, báo chí cách mạng Việt Nam luôn là dòng chảy mãnh liệt, vun đắp lý tưởng, kết nối niềm tin và không ngừng chuyển mình để lan tỏa, đồng hành cùng quá trình phát triển của dân tộc.
Xây dựng một nền báo chí phụng sự Nhân dân

Xây dựng một nền báo chí phụng sự Nhân dân

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức sâu sắc vai trò đặc biệt của báo chí trong việc giác ngộ quần chúng, thúc đẩy phong trào cách mạng. Từ những ngày hoạt động ở Pháp, Người đã góp phần sáng lập và viết bài cho các tờ báo tiến bộ như: Le Paria, L’Humanité, truyền bá lý luận cách mạng vô sản. Khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người sáng lập tờ Thanh niên - ra số đầu ngày 21/6/1925 - khai mở dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí vẫn là di sản vô giá, soi đường cho sứ mệnh của báo chí cách mạng.
Trung tâm tài chính quốc tế và tái cơ cấu kinh tế sẽ tạo động lực phát triển mới ?

Trung tâm tài chính quốc tế và tái cơ cấu kinh tế sẽ tạo động lực phát triển mới ?

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa diễn ra tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội dành nhiều câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình về kế hoạch thành lập trung tâm tài chính quốc tế và chiến lược tái cơ cấu kinh tế. Phó Thủ tướng đã trình bày lộ trình cụ thể để đưa Việt Nam cạnh tranh toàn cầu, khẳng định các ngành kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng bền vững, đáp ứng kỳ vọng của cử tri.
Sắp xếp lại NHNN chi nhánh để phù hợp với chính quyền địa phương mới

Sắp xếp lại NHNN chi nhánh để phù hợp với chính quyền địa phương mới

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, NHNN đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại 63 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, thành phố thành 15 NHNN chi nhánh Khu vực để đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Các NHNN khu vực đã đi vào hoạt động kể từ ngày 1/3/2025.
Ổn định vĩ mô - nền tảng chinh phục mục tiêu tăng trưởng 8%

Ổn định vĩ mô - nền tảng chinh phục mục tiêu tăng trưởng 8%

Sáng 20/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã sôi nổi chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong bối cảnh địa chính trị bất ổn và áp lực từ bảo hộ thương mại quốc tế. Những chiến lược cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp và đặt nền móng cho tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030 đã được làm rõ, hứa hẹn một hành trình đầy thách thức nhưng nhiều triển vọng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Mục tiêu tăng trưởng 8% là thách thức lớn

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Mục tiêu tăng trưởng 8% là thách thức lớn

Tiếp tục Chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch nước: Báo chí phải luôn là người đồng hành tỉnh táo và tin cậy trong hành trình cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Chủ tịch nước: Báo chí phải luôn là người đồng hành tỉnh táo và tin cậy trong hành trình cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 -21/6/2025), sáng 20/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã có buổi gặp mặt tuyên dương người làm báo tiêu biểu toàn quốc.
Thu hút FDI chất lượng cao: Cần chiến lược phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới

Thu hút FDI chất lượng cao: Cần chiến lược phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Tại phiên chất vấn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội và đại diện Chính phủ đã nhấn mạnh đến các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và phát triển hạ tầng khu công nghiệp thế hệ mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp tư nhân để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp năm 2030

Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp tư nhân để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp năm 2030

Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2030 trở thành thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Tại phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày các giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa khát vọng này, nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân như một động lực quan trọng.