Sửa đổi Luật Đất đai: Tạo động lực phát triển kinh tế
Phải khơi thông được chính sách tài chính về đất đai và giá đất | |
Công điện về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) |
Gỡ vướng khi thực thi pháp luật đất đai
Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng Lê Quang Nam cho rằng, trong Luật Đất đai cần có nội dung về lấn biển để thể chế hóa, làm cơ sở pháp lý cho lấn biển. Nếu làm được điều này thì Đà Nẵng sẽ phát triển được kinh tế biển mạnh mẽ.
Chia sẻ lại câu chuyện trúng đấu giá quyền khai thác đất hai năm nhưng chưa khai thác được, quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Đà Nẵng Nguyễn Tri Thọ cho biết, tháng 11/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đưa hai mỏ đất tại huyện Hòa Vang có tổng diện tích 20ha, trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 1,8 triệu m3 đất ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản với giá khởi điểm 3,6 tỷ đồng. Theo đó, có hai doanh nghiệp trúng đấu giá với số tiền cao gấp 15 lần giá khởi điểm, tăng nguồn thu cho ngân sách hơn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dù Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép thăm dò khoáng sản, nhưng hai đơn vị trúng đấu giá vẫn chưa tự thỏa thuận được việc bồi thường về đất đai đối với những người dân đang sử dụng đất tại khu vực mỏ để đưa mỏ vào khai thác.
Theo ông Thọ, doanh nghiệp khai thác khoáng sản chỉ được cấp phép khai thác khoáng sản có thời hạn nhất định, mà phải tự đi thỏa thuận với người dân thì mất thời gian lâu và cũng không chắc chắn được người dân có thống nhất hay không. Trong khi đó, nếu chờ sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 thì nhanh nhất cũng phải đến giữa năm 2024 mới triển khai được. Và trong thời gian từ nay đến thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì thành phố gần như bế tắc về nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công các công trình, dự án.
Dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô dang dở kéo dài 13 năm nay do vướng mắc giải tỏa đền bù |
Chỉ ra một bất cập khác, Phó Chủ tịch Lê Quang Nam cho biết, Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có văn bản hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc là các dự án có quy mô nhỏ hơn 5ha thì không phải làm quy hoạch chi tiết 1/500, mà chỉ cần có bản vẽ mặt bằng trong hồ sơ đấu giá đất để đưa các chỉ tiêu kiến trúc, hệ số sử dụng đất... để có cơ sở pháp lý đấu giá đất. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì vẫn còn quy định là phải có quy hoạch chi tiết 1/500. Theo ông Nam mục tiêu làm quy hoạch để đưa ra được giá đất đấu giá. Tuy nhiên việc hạn chế làm giá đất cụ thể, nhất là trong lĩnh vực đấu giá đất vì quá mất thời gian cho việc làm giá đất cụ thể, nhưng thực tế khi đấu giá thì giá trúng đấu giá là khác. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, không cần quy định có quy hoạch chi tiết 1/500 khi đấu giá đất.
Đà Nẵng hiện có 226 dự án đầu tư công dang dở kéo dài nhiều năm, không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống dân sinh. Năm 2023, Đà Nẵng quyết tâm xử lý dứt điểm hơn 100 dự án, tuy vậy quá trình này gặp nhiều trở ngại. Phần lớn các dự án dang dở nhiều năm do vướng mặt bằng, mà cụ thể là giải tỏa đền bù liên quan đến đơn giá, phương án đền bù. Trong thực tế, giá trị đền bù các dự án thường cao hơn rất nhiều so với giá trị phê duyệt, dẫn đến số vốn đền bù thực tế vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt nên không giải ngân được kế hoạch vốn đền bù đã được bố trí. Việc vượt tổng mức đầu tư dẫn đến khối lượng xây lắp đã thi công cũng không thể giải ngân theo kế hoạch đã bố trí.
Để luật đi vào cuộc sống, tính khả thi phải cao
Hiện nay, Đà Nẵng có Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng. Tuy nhiên, thời gian qua, các cơ quan chức năng rất lúng túng khi thống kê loại đất khu công nghệ cao và đất khu công nghệ thông tin. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung phân loại đất khu công nghệ cao, đất khu công nghệ thông tin và bổ sung quy định về cho thuê đất.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng chia sẻ, sau khi nghiên cứu những nội dung còn vướng mắc, chưa thống nhất giữa Luật Đất đai và nhóm các luật về đầu tư như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và Luật Doanh nghiệp, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung thêm quy định người sử dụng đất được thuê lại đất trong khu công nghệ thông tin hoặc khu công nghệ thông tin tập trung cho phù hợp với Luật Công nghệ thông tin. Tương tự, bổ sung loại đất khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao vào nội dung phân loại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; bổ sung quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài về sử dụng đất trong khu công nghệ thông tin tập trung; bổ sung tiêu đề tại Điều 195 là đất sử dụng cho khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung...
Đà Nẵng hiện có những dự án thương mại dịch vụ mang tính chất đặc thù (như dự án về condotel, dự án du lịch biển…), dự án cần đầu tư nguồn vốn đầu tư lớn (dự án phức hợp: khách sạn, trung tâm thương mại, tài chính…), các nhà đầu tư đều mong muốn được trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê vì khi trả tiền hằng năm nhà đầu tư phải đóng tiền thuê đất theo những biến động về giá đất nên việc tính toán chi phí giá trị đầu tư là rất khó khăn. Đồng thời, quyền sử dụng đất sẽ bị hạn chế khi chỉ được thực hiện các hoạt động liên quan đến tài sản trên đất, không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Vì thế, nhiều nhà đầu tư góp ý kiến đề nghị cho được trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai tính kế thừa, thống nhất về việc phân loại đất trên cơ sở của các quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt là pháp luật về quy hoạch đô thị. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định phân loại đất đối với các trường hợp sử dụng hỗn hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất và thuận tiện trong việc quản lý Nhà nước. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng làm rõ nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất và muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hay được chuyển mục đích sử dụng đất và trực tiếp thực hiện dự án mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng: Dù đã có những chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, nhưng qua thực tiễn thực thi pháp luật về đất đai tại thành phố cũng gặp những khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung... nhằm kiến tạo phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho thành phố cũng như giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Mới đây, tại hội nghị tiếp xúc cử tri với chuyên đề “Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với cử tri, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng: Một trong những vấn đề rất lớn của thành phố hiện nay là giải quyết những tồn tại cũ để lại. Và việc góp ý sửa đổi Luật Đất đai hiện nay bản chất là đang giải quyết những tồn tại của Luật Đất đai 2003. Muốn luật đi vào cuộc sống thì tính khả thi phải cao.