Tăng vốn ngân hàng: Căn chỉnh điều kiện thực tế
Ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ | |
Áp lực tăng vốn vẫn hiện hữu |
TS. Châu Đình Linh |
Ông đánh giá thế nào về kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng?
Quan sát trên thị trường, phương án tăng vốn của nhiều ngân hàng cũng có những sự khác biệt. Có ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận giữ lại (thông qua chia cổ tức), phát hành ESOP, hay tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, chào bán thêm cổ phiếu…
Theo quan điểm của tôi, nếu ngân hàng tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại, hay phát hành ESOP… thì hoàn toàn khả thi trong năm nay, bởi đây gần như là nguồn có sẵn, ngân hàng có thể chủ động được. Ngược lại, với phương án phát hành mới thì sẽ cần cân nhắc một chút. Thanh khoản thị trường chứng khoán hiện không quá thuận lợi. Hiện tại, chưa thể khẳng định xu hướng của thị trường có down-trend hay không, nhưng thực tế là đã trượt ra khỏi xu hướng tăng và tích luỹ, gây khó khăn ít nhiều cho ngân hàng khi muốn huy động nguồn lực để tăng vốn. Ngoài ra, thị trường có thể chịu tác động từ các yếu tố của nền kinh tế vĩ mô thế giới, Việt Nam và những thách thức mà ngành tài chính - ngân hàng phải đối diện tới đây.
Chưa kể, ở thời điểm hiện nay khi lạm phát gia tăng; ảnh hưởng từ việc Fed nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm để ứng phó với tỷ lệ lạm phát cao, lãi suất huy động xu hướng tăng, sức ép thanh khoản… khiến một lượng vốn từ thị trường vốn chuyển sang thị trường tiền tệ.
Bởi vậy tôi cho rằng, việc tăng vốn sẽ thuận lợi hơn ở những ngân hàng có quy mô lớn, còn với ngân hàng quy mô nhỏ thì khá thử thách.
Dù xác định nhiều thách thức, nhưng thực tế là nhiều ngân hàng đặt ra kế hoạch tăng vốn trong năm nay?
Không phủ nhận là câu chuyện tăng vốn luôn luôn và ngày càng cấp thiết. Một số ngân hàng cần tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, điều này nằm trong lộ trình và chắc chắn phải thực hiện. Tăng vốn cũng sẽ nâng cao khả năng tài chính của ngân hàng, từ đó mới hiện thực hoá được các chiến lược kinh doanh đề ra. Song, kế hoạch và chiến lược của ngân hàng phải xuất phát từ nguồn lực, và chịu sự chi phối bởi các yếu tố tác động bên ngoài.
Tăng vốn có thể thực hiện được, nhưng có như kỳ vọng ban đầu của ngân hàng hay không thì lại là câu chuyện khác. Như tôi đã trao đổi, phụ thuộc vào giá cổ phiếu và khả năng hấp thụ vốn trên thị trường chứng khoán, giá trị cổ phiếu có bị pha loãng hay không là bài toán ngân hàng phải cân nhắc. Nhìn chung, tôi vẫn cho rằng huy động vốn trên thị trường sơ cấp sẽ khó khăn hơn. Đặt trong kịch bản bình thường, các ngân hàng, nhất là ngân hàng lớn có sức mạnh thương hiệu, có cổ đông chiến lược nước ngoài… thì vẫn có thể hiện thực hoá được. Nhưng ở một kịch bản khác, khi có những yếu tố tiêu cực trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều thì tôi cho rằng kế hoạch cũng cần có sự điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo ông, việc tăng vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài có khả thi trong giai đoạn này không?
Chúng ta đã ký kết Hiệp định EVFTA, trong đó có lộ trình về việc nới room cho các nhà đầu tư ngoại, cam kết cho phép hai TCTD châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của hai ngân hàng Việt Nam (5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực - 1/8/2020). Chắc chắn chúng ta phải thực hiện tiến trình này. Còn thời điểm nào thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nhà đầu tư ngoại sẽ nhìn nhận gì về triển vọng kinh doanh của ngân hàng đó, giá trị thật sự của ngân hàng phản ánh qua giá cổ phiếu có phải là cái giá tiềm năng hay không, tổng thể chất lượng quản trị của ngân hàng, chất lượng tài chính… Tất cả những yếu tố đã phải được đánh giá rõ ràng, nếu phù hợp thì lúc đó họ mới xuống tiền đầu tư. Và những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì phần nhiều đều hướng tới câu chuyện đầu tư dài hạn, nên việc nới thêm room cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một trong những phương án để nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng. Tuy nhiên cần nhìn nhận từ nhiều bên: phía ngân hàng, nhà đầu tư chiến lược, điều kiện của thị trường chứng khoán…
Xin cảm ơn ông!