Thị trường rộng mở, thủy sản đón nhận nhiều tin vui
Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn đều tốt và ổn định. Trong đó, Hồng Kông - Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu với giá trị đạt hơn 300 triệu USD, tăng 156% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến là thị trường Mỹ với kim ngạch đạt 241 triệu USD, tăng 136%. Thị trường EU cũng tăng hơn 84% khi đạt 65 triệu USD.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam cũng năng động phát triển sang các thị trường tiềm năng. Trong đó đáng chú ý là 3 thị trường Mexico, Ai Cập và Thái Lan. Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19, hoạt động xuất khẩu cá tra sang 3 thị trường này nhộn nhịp hơn bao giờ hết, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cũng đông đảo hơn.
Mexico hiện là thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong khối thị trường CPTPP. 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt trên 40 triệu USD, tăng 69% so với cùng kỳ. Thị trường Thái Lan cũng tăng 80% khi đạt trên 38 triệu USD; còn thị trường Ai Cập đạt 14 triệu USD, tăng 85%. Ngoài ra, Malaysia cũng đang là thị trường mục tiêu của nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam...
Tham gia Triển lãm Thủy sản toàn cầu tại Tây Ban Nha vào cuối tháng 4 vừa qua, nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã giới thiệu một số sản phẩm giá trị gia tăng và tranh thủ tìm kiếm, ký thêm nhiều đơn hàng mới. Dự báo, trong quý II/2022, xuất khẩu cá tra sang các thị trường truyền thống lớn tiếp tục khả quan.
Mới đây, Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ đã công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra được phép chế biến, xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường Mỹ. Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cũng bổ sung thêm 2 DN vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á – Âu.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa tới hồi kết, sau sự ngưng trệ của hoạt động giao thương thì nay xuất khẩu cá tra sang hai thị trường này đã kết nối trở lại. Những diễn biến mới này có thể thúc đẩy xuất khẩu cá tra tăng trưởng khả quan hơn nữa trong thời gian tới.