Thu hút người lao động trở lại làm việc sau Tết
Các kịch bản của thị trường nhân lực | |
Thị trường lao động tiếp tục gặp khó | |
Muốn giữ nhân lực, phải có chính sách đồng bộ |
Tình trạng thâm hụt lao động sau mỗi kỳ nghỉ Tết, nhất là các ngành nghề có số lượng lao động trực tiếp lớn như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm… luôn là nỗi lo của nhiều DN. Tuy nhiên, năm nay, số lao động quay trở lại làm việc trên cả nước hiện đã đạt trên 90%, nhiều tỉnh thành đạt trên 97%. Những giải pháp tích cực của Nhà nước cũng như DN hỗ trợ người lao động thời gian qua đã giúp ổn định thị trường lao động sau Tết.
Năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến các DN và người lao động. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường lao động cả nước sớm ổn định và có dấu hiệu khởi sắc. Tại các tỉnh, thành phố, hầu hết người lao động đều đã quay trở lại làm việc, nhiều DN cũng bắt đầu tuyển dụng thêm lao động nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Thị trường lao động sau Tết kỳ vọng có những chuyển biến tích cực và nhanh chóng phục hồi |
Ngay từ tháng 1/2022 khi hầu hết các DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh sau một thời gian trầm lắng, nhu cầu về tuyển dụng lao động cũng tăng cao, tập trung ở các ngành như dệt may-giày da; sản xuất, chế biến thực thẩm; bán buôn và bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống… Trong tháng 1/2022, TP. Hà Nội đã giải quyết việc làm cho gần 12,6 nghìn lao động, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trên thực tế, sau Tết Nguyên đán, hầu hết DN bắt đầu triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ nhu cầu ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Lượng công nhân lao động trở lại làm việc tăng cao sau thời gian nghỉ Tết trên cả nước vẫn đạt trên 90%. Trên địa bàn TP. Hà Nội, sau hơn 1 tuần sau tết, lượng lao động trở lại làm việc tại các KCN và khu chế xuất Hà Nội đạt trên 98%.
Theo Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, để có được số lượng công nhân lao động trở lại làm việc tăng cao sau thời gian nghỉ Tết, có sự đóng góp không nhỏ từ những hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn. Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, các cấp công đoàn TP. Hà Nội đã dành nguồn ngân sách trên 200 tỷ đồng để hỗ trợ đoàn viên và người lao động. Riêng cấp LĐLĐ TP. Hà Nội dành khoảng 71,3 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho người lao động. Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội Nguyễn Chính Hữu cho biết, để ổn định thị trường lao động, trong thời gian tới nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tập trung bảo đảm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh. Công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các DN, chính quyền đồng cấp quan tâm, chăm lo tới người lao động.
Có thể thấy, năm 2022 với sự thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch nên một số ngành, nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động. Các chính sách, giải pháp thích ứng, an toàn của Chính phủ vừa chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế đã có tác dụng ổn định thị trường lao động.
Còn theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, sau Tết, TP.HCM cần khoảng 50.000 lao động, tập trung ở các nhóm ngành kinh doanh thương mại, da giày, điện tử cơ khí, điện lạnh, dệt may, chế biến thực phẩm… Sở đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai tiếp sức, tạo điều kiện kết nối, giới thiệu người lao động đang ở các địa phương có nhu cầu trở lại thành phố và lực lượng lao động tại chỗ cho các DN để có nguồn lao động ổn định.
Nhận định về tình hình chế độ đãi ngộ của DN đối với lao động, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, chính sách thu hút và giữ chân người lao động của DN trong thời gian qua khá chu đáo. Theo thống kê các DN đưa ra mức lương trên 6 triệu đồng với lao động không cần trình độ chuyên môn và 8 đến hơn 10 triệu đồng cho người có tay nghề.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng cho biết, lượng lao động quay trở lại làm việc sau Tết năm nay đạt tỷ lệ 90%, cao hơn khá nhiều so với các năm.
“Thành phố đã có kế hoạch chăm lo lâu dài cho đời sống công nhân. Cụ thể, thành phố sẽ dành ra quỹ đất để xây nhà ở lưu trú cho người lao động, xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ, hỗ trợ các chủ trọ nâng cấp nơi ở an toàn, tiện lợi, thông thoáng hơn.
Các chính sách thiết thực đã được thành phố triển khai trong đợt này như vận động các chủ nhà trọ giảm tiền phòng cho công nhân, học sinh, sinh viên. Đồng thời, thành phố cũng hỗ trợ chủ trọ vay tiền với giá ưu đãi để chỉnh trang lại các nhà trọ đạt chuẩn về phòng ốc, bảo đảm phòng cháy chữa cháy cũng như vệ sinh môi trường tạo thuận lợi cho người lao động sống và làm việc sau Tết”, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển lao động, trong đó đề ra một số mục tiêu về lao động, việc làm cho năm 2022. Đẩy mạnh hỗ trợ người lao động làm việc tại các DN thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, KCN, khu công nghệ cao yên tâm làm việc; hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất an toàn, tạo việc làm và thu nhập bền vững cho người lao động; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động. Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ DN và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái “bình thường mới”. |