Thu thuế qua sàn giao dịch thương mại điện tử: Một quyết định cần thiết!
Ông Nguyễn Văn Được |
Theo ông, Thông tư 40/2021/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 40) quy định sàn thương mại điện tử phải kê khai nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn có phù hợp không?
Trước tiên, về cơ sở pháp lý, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 đã dành cả một chương quy định rất chi tiết, cụ thể đối với các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí là cá nhân có liên quan cùng phối hợp với ngành thuế để thu thuế. Theo đó, có thể hiểu cả hệ thống chính trị cùng các cơ quan ban ngành, các tổ chức kinh tế có liên quan đều phải vào cuộc cùng với ngành thuế thực hiện việc thu thuế và quản lý thuế. Do đó, Thông tư 40 đưa ra quy định sàn thương mại điện tử phải kê khai nộp thuế thay cho cá nhân nằm trong khuôn khổ pháp luật.
Xét về mặt thực tiễn lại càng cần thiết. Có thể thấy, từ trước tới nay thuế đối với hộ cá nhân kinh doanh vẫn được coi là một khoảng trống trong công tác thu ngân sách, bởi số lượng các hộ cá nhân kinh doanh rất lớn, phức tạp, và ý thức tuân thủ pháp luật về thuế còn hạn chế. Nếu vẫn giữ phương pháp quản lý thuế theo cách truyền thống sẽ tốn rất nhiều nguồn lực, thời gian, và chi phí quản lý mà không hiệu quả. Thực tế, số thu từ khu vực này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng thu ngân sách.
Quy định này sẽ tác động như thế nào đến công tác thu ngân sách cũng như hoạt động các sàn thương mại điện tử và các cá nhân kinh doanh trên sàn, thưa ông?
Hiện nay, hiện tượng gian lận, trốn thuế, thất thoát thuế ở khu vực hộ cá nhân kinh doanh có tỷ trọng lớn, do đó phải có một sự can thiệp mạnh tay trong quá trình quản lý thuế. Chính vì vậy, việc đổi phương thức quản lý bằng quản lý tập trung thu qua một đầu mối và quản lý bằng công nghệ là hướng đi đúng đắn, giúp tiết kiệm được nguồn lực, thời gian mà lại nâng cao hiệu quả thu thuế từ đó cũng góp phần hạn chế được sự nhũng nhiễu, thông đồng trong quá trình ấn định doanh thu khoán...
Bên cạnh đó, việc triển khai quản lý qua các sàn thương mại điện tử sẽ giúp ngành thuế xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ tốt cho việc hoạch định chính sách. Chẳng hạn như, sau này muốn phát triển hộ kinh tế cá nhân như thế nào, định hướng ra sao thì nhà hoạch định chính sách sẽ có thông tin đầy đủ để đưa ra quyết định.
Đồng thời, quản lý qua các sàn thương mại điện tử cũng giúp cho công tác thanh, kiểm tra thuế sau này minh bạch hơn thông qua quản lý dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp ngành thuế thu thập, tổng hợp, phân tích, kiểm tra, đối chiếu và kiểm soát dữ liệu làm cơ sở khai tính thuế từ đó giảm bớt gian lận và trốn thuế; Góp phần hình thành một bức tranh nền kinh tế thực tế hơn, bởi hiện nay về khu vực kinh tế tư nhân chưa được kê khai đầy đủ, theo đó số liệu về tổng sản phẩm trong nước (GDP) chưa đúng.
Đặc biệt, quy định này cũng giúp chính người nộp thuế được hưởng lợi. Họ sẽ không phải tự kê khai nộp thuế mà sẽ được cơ quan thuế và các sàn thương mại điện tử hỗ trợ, theo đó sẽ giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian đi lại, chi phí, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý kinh doanh cho chính người nộp thuế.
Như vậy có thể thấy, đây là một quyết định cần thiết nhằm bảo đảm được mục tiêu thu đúng thu đủ cho ngân sách nhà nước. Đồng thời sẽ tạo được sự công bằng minh bạch cho những người nộp thuế. Đây cũng là một điểm sáng để hạn chế những rủi ro, tạo sự công bằng minh bạch cho nền kinh tế.
Có ý kiến cho rằng, quy định trong Thông tư 40 đang chuyển gánh nặng thu thuế sang cho doanh nghiệp, ông nghĩ sao?
Đúng là quy định yêu cầu sàn thương mại điện tử phải phối hợp với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn trước mắt cho các sàn vì từ trước tới nay họ chỉ tập trung vào kinh doanh. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, đây không phải là chuyện Nhà nước “đẩy” việc cho họ mà chính là trách nhiệm, nghĩa vụ của các sàn đối với Nhà nước. Cần hiểu rằng, các sàn làm việc này cũng chính là giúp cho người nộp thuế- tức là giúp cho đối tác của họ. Đồng thời, họ làm trong sạch, minh bạch về thuế thì đất nước sẽ phát triển, tạo hành lang môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng hơn. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ các sàn.
Cụ thể là hỗ trợ gì, thưa ông?
Theo tôi, quan trọng nhất là hỗ trợ về công nghệ thông tin, xây dựng quy chế phối hợp với nhau để cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở hạ tầng phải có lộ trình cụ thể để làm sao các bên phối hợp hài hòa, trơn tru. Chẳng hạn như, Tổng cục Thuế cần thiết kế một trung tâm mà nòng cốt là các đơn vị về công nghệ thông tin và tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế để tháo gỡ kịp thời khó khăn phát sinh của các sàn thương mại điện tử và cá nhân người nộp thuế.
Cần lưu ý, chỉ nên hỗ trợ về cơ chế như trên tôi vừa nói, không nên hỗ trợ bằng kinh phí cho các sàn vì đây không phải là ủy nhiệm thu thuế.
Ông nghĩ sao về lộ trình 4 bước thực hiện mà Tổng cục Thuế đưa ra?
Hiện nay, Tổng cục Thuế mới chỉ đưa ra một kế hoạch chung nên tiến độ cũng có thể nhanh hơn hoặc lâu hơn. Để xây dựng lộ trình phù hợp, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế phải đứng ra khảo sát, đánh giá lại cơ sở hạ tầng của Tổng cục Thuế như thế nào, có đáp ứng được yêu cầu triển khai phối hợp với các sàn hay không?
Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính cần lắng nghe các sàn xem họ đang gặp khó khăn vướng mắc gì, có phối hợp được không, có thể phối hợp đến đâu? Đặc biệt, cần phải quan tâm tới ý thức, sự hiểu biết và khả năng tham gia của chính người nộp thuế.
Mục tiêu ở đây không phải là thu thuế được ngay mà là tiếng chuông cảnh báo đối với người nộp thuế, đồng thời hướng tới hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, hướng dần tới văn hóa của người kinh doanh là phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật. Vì vậy, theo tôi cần có sự thí điểm trong khoảng 3 đến 6 tháng, sau đó từng bước điều chỉnh, mở rộng theo lộ trình trung và dài hạn.
Xin cảm ơn ông!