Thủ tục "cản bước" phát triển nhà ở xã hội
Phát triển nhà ở xã hội |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội” vẫn còn rất nhiều khó khăn, còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc cần phải tập trung và quyết liệt giải quyết trong thời gian tới. Một số địa phương đến nay vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới. Bên cạnh đó, vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng...
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn những hạn chế. Nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng ưu tiên bố trí quỹ đất và nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội, hệ thống các cơ chế, chính sách và pháp luật về nhà ở xã hội chậm được đổi mới, chưa thực sự bảo đảm yêu cầu về đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.
Thủ tục triển khai dự án nhà ở xã hội còn nhiều hơn nhà ở thương mại |
Đặc biệt, việc phát triển nhà ở xã hội còn thiếu những cơ chế, chính sách đột phá để thu hút nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển nhà ở xã hội; thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng, tiếp cận các chương trình hỗ trợ mua bán nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế và bất cập. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa thực sự chặt chẽ, còn thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; việc ưu tiên bố trí nguồn lực của Nhà nước để thực thi các chương trình, dự án, đề án còn nhiều bất cập, hạn chế, nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa thực sự quan tâm đến yêu cầu phát triển nhà ở xã hội.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VinHomes (thuộc Tập đoàn Vingroup) cho biết, tập đoàn đã triển khai làm nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Khánh Hoàs, Thanh Hoá, Quảng Trị với số lượng khoảng 10.000 căn hộ. Ông kiến nghị Bộ Xây dựng cũng như các bộ ngành nghiên cứu để trình Chính phủ thủ tục đầu tư để các dự án nhà ở xã hội được đơn giản hóa, nhanh gọn hơn nữa. Các thủ tục phê duyệt các quy hoạch chi tiết dự án về nhà ở xã hội có thể làm song song với điều chỉnh quy hoạch phân khu, cùng với các thủ tục khác như xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để được miễn, giảm. "Hiện tại, làm dự án nhà ở xã hội đang phải qua rất nhiều thủ tục, thậm chí còn nhiều hơn xây nhà ở thương mại”, ông Phạm Thiếu Hoa chia sẻ.
Liên quan đến chất lượng xây dựng nhà ở xã hội, ông Phạm Thiếu Hoa cho biết, hiện nay tập đoàn Vingroup muốn đầu tư các dự án nhà ở xã hội có chất lượng, kiểu mẫu cho các đối tượng có thu nhập thấp.
Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng chia sẻ, muốn làm nhà ở xã hội thì không thể không quyết liệt về đất, vì đây là vấn đề quan trọng hàng đầu. Công ty đang phát triển dự án nhà ở xã hội ở 11 địa phương nhưng thủ tục pháp lý phát sinh từ đất quá phức tạp, mất thời gian. Ông Toàn đề nghị luật hoá quy định các tỉnh phải bố trí bằng được quỹ đất để làm nhà ở xã hội, không thể khuyến khích mà cần đưa ngay vào luật. Cần tiến hành thu hồi đất làm nhà ở xã hội sau đó mới kêu gọi đầu tư.
Để đẩy nhanh việc triển khai nhà ở xã hội, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển mới. Cụ thể là đẩy nhanh xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, tiếp tục hoàn thiện và đồng bộ chính sách, pháp luật có liên quan đến nhà ở xã hội, nhất là về đất đai, đầu tư, đầu tư công.