Thủ tướng yêu cầu: Hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024
Chúng ta còn ở rất xa mục tiêu
Nhìn lại tiến trình thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", Thủ tướng cho rằng, một trong những kết quả đạt được là nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã được triển khai và hoàn thành, góp phần hỗ trợ người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động "an cư lạc nghiệp". Từ năm 2021 đến nay, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411 nghìn căn hộ (trong đó 72 dự án đã hoàn thành với quy mô hơn 38 nghìn căn; 129 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 115 nghìn căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô gần 259 nghìn căn).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội |
Bên cạnh đó, gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng dù còn khó khăn nhưng đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương. Đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30 nghìn tỷ đồng. Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7 nghìn tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng…
Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn xa mục tiêu và còn nhiều tồn tại, khó khăn. Nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội. Thời gian triển khai thành công một dự án khá lâu (từ 3-5 năm), dẫn tới không hấp dẫn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng triển khai. Nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp nhưng tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội so với mục tiêu của Đề án còn thấp, thậm chí theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nhiều địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội khởi công từ năm 2021 đến nay.
Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn (mới cam kết cấp tín dụng được 5,8%, giải ngân chưa được 1%). Cùng với đó, vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhất là trong tiếp cận đất đai, nguồn vốn, và thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, phê duyệt giá bán nhà…
Nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup cho biết, số lượng thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội hiện nay đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại. Bởi ngoài các thủ tục chung thì dự án nhà ở xã hội còn phát sinh thêm các thủ tục như: xác nhận các đối tượng được mua, thuê; thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội… Điều này dẫn đến thời gian thực hiện dự án nhà ở xã hội bị kéo dài. Do đó, Phó Chủ tịch VinGroup đề xuất cần xem xét cắt giảm tối đa các thủ tục liên quan.
Dự án nhà ở xã hội tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh |
Từ phía ngân hàng, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, tính từ ngày 1/4/2023 đến ngày 29/2/2024, VietinBank đã cam kết tài trợ được 8 dự án, trong đó có 3 dự án đã ký được hợp đồng tín dụng và giải ngân được 423 tỷ đồng và cam kết cấp tín dụng đối với 5 dự án, tổng số quy mô gần 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ thực tế, VietinBank nhận thấy có một số khó khăn như: Vướng mắc pháp lý, thủ tục, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương; giới hạn tỷ lệ lãi suất sinh lời của dự án (hiện bị khống chế ở mức 10%) nên chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư… Để tạo sức hấp dẫn, có được lãi suất thực sự ưu đãi, phù hợp hơn nữa với người mua nhà, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, đại diện VietinBank đề xuất: Chính phủ xem xét thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở nguồn ưu đãi này, lãi suất cho vay có thể xem xét thấp hơn lãi suất cho vay thương mại bình thường trên thị trường. Nguồn vốn này cần huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau và vốn ngân sách đóng vai trò đầu mối.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng nêu rõ, để phát triển nhà ở xã hội, trong đó triển khai nhanh, hiệu quả Đề án 01 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, tất cả các chủ thể có liên quan, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải phát huy hết khả năng, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao nhất để thực hiện các công việc cho tốt, chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội đúng nghĩa.
Cụ thể trong năm 2024, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu, số lượng nhà ở xã hội năm 2024 đã được Bộ Xây dựng tập hợp (mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội). Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn. Bộ Xây dựng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các địa phương hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp. Đồng thời, yêu cầu các Bộ Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, NHNN tập trung xây dựng, sớm trình ban hành các Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội như: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án.
Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội. NHNN chỉ đạo các NHTM nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay đối với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng... Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024 - 2025 theo quy định pháp luật về nhà ở.
Đánh giá cao báo cáo và các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu ngay sau hội nghị, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến; sớm trình ban hành Kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngắn gọn với thông điệp, nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, đánh giá, kiểm tra...